Văn hóa

Tọa đàm và triển lãm về tài liệu xuất xứ cá nhân

Nhiều tác phẩm từng được chia sẻ, đến với cuộc sống, được xướng tên và ghi danh. Đây là những tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý, hiếm của dân tộc.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân

“Ở đời này không ai có thể sống để giữ mãi được các tài liệu lưu trữ, nên tôi rất có ý thức trong việc giữ gìn những gì của cha tôi còn lại, từ sinh hoạt nhỏ nhất. Tất cả những tài liệu của cha tôi, tôi đều gửi vào lưu trữ và bảo tàng... May thay tôi nghỉ hưu sớm, về giúp việc cha tôi 2 năm. Kinh tế gia đình nhìn vào ngòi bút của ông. Khi cha tôi mất, tôi phải đi làm thuê nên tôi bỏ hết vào tủ sắt khóa lại, tôi hứa với cha tôi, khi nào con nuôi cháu ăn học bằng người, đến nơi đến chốn, con sẽ soạn lại tất cả tư liệu của ông. Tôi đã gửi vào lưu trữ quốc gia năm 1990, đã gửi vào bảo tàng Hội Nhà văn”.

Đây là chia sẻ của ông Cao Trọng Đoan, con trai Nhà văn, Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm (tên thật là Cao Mạnh Tùng) khi kể về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác và nguyện vọng của cha mình, tại Tọa đàm và triển lãm về tài liệu xuất xứ cá nhân, do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức sáng 21/5, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trung tâm (1995 - 2025).

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả là những cá nhân và đại diện các cá nhân, gia đình đã gửi tặng tài liệu vào Trung tâm, đại biểu các cơ quan lưu trữ, cơ quan quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Sự kiện có ý nghĩa thiết thực điểm lại những kết quả đã đạt được trong công tác sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ cá nhân (tài liệu lưu trữ tư), đồng thời là dịp hội ngộ của sự sáng tạo, lòng say mê lao động của các cá nhân trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau. Tài hoa và sức sáng tạo của các cá nhân tỏa sáng trong từng tác phẩm, trong mỗi trăn trở qua từng con chữ, nốt nhạc, nét vẽ… Nhiều tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu trước khi đến với ngôi nhà chung trên các kệ giá của kho lưu trữ, đã từng được chia sẻ, từng đến với cuộc sống, được xướng tên và ghi danh trong những diễn đàn khoa học, dưới ánh đèn sân khấu hay các sự kiện đặc trưng của các ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Đây là những tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý, hiếm của dân tộc.

Cho biết rất trân trọng các kỷ vật cá nhân đã gìn giữ nhiều năm được các gia đình gửi gắm vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Giám đốc Trần Việt Hoa thông tin, Trung tâm sẽ lập danh mục hồ sơ, đưa vào phông lưu trữ cá nhân. Tài liệu lưu trữ cá nhân không chỉ liên quan đến công trình khoa học, những tác phẩm được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, mà cả những tác phẩm văn học nghệ thuật được công chúng biết đến. Các bản thảo, những câu chuyện liên quan đến sự ra đời của tác phẩm, các hoạt động đằng sau sự sáng tạo không mệt mỏi đó… đều được cơ quan lưu trữ trân trọng, quan tâm giữ gìn, bảo quản cho thế hệ mai sau. Các tác phẩm khi được gửi vào Trung tâm tuổi thọ sẽ kéo dài đến hàng trăm năm, các công chúng thế hệ sau này sẽ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, tác phẩm của các cá nhân, gia đình gửi tặng.

Đại biểu tham quan Triển lãm tài liệu xuất xứ cá nhân.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga cho biết, bên cạnh hệ thống tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, thì tài liệu xuất xứ cá nhân ngày càng được khẳng định là nguồn sử liệu có giá trị đặc biệt – vừa mang tính riêng tư, vừa gắn bó mật thiết với tiến trình lịch sử và đời sống xã hội.

Mỗi trang nhật ký, mỗi lá thư tay, mỗi bức ảnh cũ, bản thảo hay giấy tờ cá nhân... không chỉ phản ánh hành trình của một con người mà còn mở ra những lát cắt chân thực, giàu cảm xúc về một giai đoạn lịch sử cụ thể. Những tài liệu tưởng chừng rất đời thường ấy, khi được nhìn nhận đúng giá trị và gìn giữ đúng cách, sẽ trở thành những di sản tư liệu quý giá, bổ sung cho bức tranh toàn cảnh về lịch sử dân tộc từ một chiều kích gần gũi, nhân văn và đầy xúc cảm. Triển lãm hôm nay là minh chứng sinh động cho hướng đi đúng đắn đó. 

Tại Tọa đàm, các cá nhân, đại diện các gia đình đã chia sẻ, giới thiệu về hành trình sáng tác, lao động của cá nhân, của người thân, về quá trình gìn giữ những tài liệu quý; đối thoại cùng cơ quan lưu trữ trong việc gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu trong tương lai.

Thực hiện chức năng thu thập, chỉnh lý, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III xác định một trong những hoạt động quan trọng là sưu tầm tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ.

Trải qua quá trình 30 năm hình thành, phát triển, công tác thu thập, sưu tầm tài liệu có xuất xứ cá nhân tại Trung tâm đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý hơn 200 phông tài liệu có xuất xứ cá nhân, gia đình, dòng họ là những tài liệu được hình thành trong quá trình sống và hoạt động sáng tác của các cá nhân như: tài liệu tiểu sử, văn bằng chứng chỉ, thư từ, sổ sách, giấy tờ công vụ, bản thảo các tác phẩm, công trình sáng tác và nghiên cứu khoa học của các cá nhân, là những nguồn tài liệu quý, phản ánh đa dạng, sinh động đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giúp nghiên cứu về các góc nhìn chân thực sự phát triển xã hội cũng như chân dung, cuộc đời của các cá nhân gia đình, dòng họ tiêu biểu của Việt Nam. Quá trình sáng tạo, gìn giữ những công trình và các tác phẩm của các cá nhân được minh chứng thực tế qua triển lãm về tài liệu lưu trữ của các cá nhân.

Trong khuôn khổ chương trình, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã khai mạc Triển lãm Tài liệu xuất xứ cá nhân, giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ của 8 cá nhân tiêu biểu gồm: Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; Nhà văn, Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm; Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân; Nhà văn, Nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt; Tiến sĩ, Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn; Nhà văn, Nhà viết kịch Học Phi; Nhà thơ, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Những tài liệu này có giá trị phản ánh quá trình hoạt động lao động nghệ thuật của chính các tác giả. Hơn nữa, với các chủ đề, đề tài khác nhau, các tác phẩm là minh chứng về đời sống tinh thần và lịch sử xã hội của đất nước, chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp được hun đúc cùng bề dày lịch sử văn hóa của người Việt Nam trên nhiều khía cạnh.

Với sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, tài liệu lưu trữ của các cá nhân được trưng bày và các tác phẩm của các tác giả đã góp phần làm phong phú thêm thành phần Phông Lưu trữ nhà nước Việt Nam./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm