Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực; ba trụ cột kinh tế tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Sáng 31/12, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực. Ba trụ cột kinh tế tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến cuối năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 86 dự án thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã xây dựng đạt 37% (năm 2020 đạt 28%); có 27 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm (năm 2020 đạt 35,4%).
Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, chuyển dần sang công nghệ hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trồng trọt - chăn nuôi từng bước hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị cao mang thương hiệu của tỉnh. Ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các loại cây trồng có lợi thế.
Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, qua 2 năm triển khai Nghị quyết, GRDP bình quân đầu người được nâng lên, năm 2023 đạt 3.641,2 USD, năm 2024 đạt 3.847,3 USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tăng 1,15 lần, năm 2024 tăng 1,23 lần so với năm 2020. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 là 92,28%, năm 2024 là 93,55%. Chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính (SIPAS) năm 2023: 79,4%, năm 2024: 80,5%...
Tỉnh ủy Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, mục tiêu đến cuối năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về một số khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển còn thấp; tình trạng nhà tạm, nhà dột nát của người dân vẫn còn cao. Bên cạnh đó, nguồn lực cho an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn hạn chế; tình trạng doanh nghiệp nợ lương người lao động; không tham gia hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn vẫn còn…
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra để người dân Bình Thuận có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, có việc làm, thu nhập ổn định, được thụ hưởng công bằng phúc lợi xã hội và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công. Các đơn vị đảm bảo nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, người yếu thế khác; giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ vững và phát huy. An ninh, trật tự được bảo đảm, người dân có cuộc sống bình yên.
Các đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy (khóa XIV); đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, du lịch và nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Các đơn vị huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công; tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh, các dự án có sức lan tỏa, giải quyết nhu cầu thiết yếu, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức; thực hiện tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu năng động, đổi mới, sáng tạo./.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- giải pháp
- nâng cao
- đời sống
- người dân