Thành lập ngày 15/6/1967, Trung đoàn làm nhiệm vụ rèn quân, cung cấp cho các đơn vị quân, binh chủng của quân đội ta và kết thúc sứ mệnh này khi đất nước giải phóng năm 1975.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Trung đoàn 5 Yên Tử (đóng quân tại tỉnh Quảng Ninh, thuộc Sư đoàn 350, Quân khu 3) là nơi huấn luyện hơn 72.000 quân thuộc 5 địa phương, trong đó có hàng nghìn thanh niên đến từ thành phố Cảng. Nhiều người con ưu tú của Hải Phòng đã dành trọn thanh xuân chiến đấu ở những chiến trường khốc liệt nhất để đất nước thống nhất.
* "Ngôi nhà ấm" chờ đồng đội
Sau 8 năm nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ Cựu chiến binh Trung đoàn 5 Yên Tử, đặc biệt là đồng hành của Thượng tọa Thích Quảng Minh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Lãng, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, của nhiều doanh nghiệp, ngày 12/4, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Trung Đoàn 5 Yên Tử; Công bố Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh "Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 5 Yên Tử". Khu di tích này là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng, liệt sĩ của Trung đoàn 5 Yên Tử - những người con ưu tú đến từ 5 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, cùng nhiều hạng mục khác.
Ông Nguyễn Bình Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Cựu chiến binh Trung đoàn 5 Yên Tử là một trong những người đã cùng tập thể Ban Chấp hành thực hiện ý tưởng của Đại tá Lê Ban, nguyên Chính ủy Trung đoàn 5 Yên Tử, về xây dựng nơi tưởng nhớ và thờ phụng các anh hùng, liệt sĩ của Trung đoàn. Khi công trình khánh thành, ông xúc động chia sẻ: Khu di tích sẽ trở thành "ngôi nhà" để những đồng đội của ông đang nằm lại ở chiến trường xưa có nơi trở về; để thân nhân, đồng đội có dịp "gặp lại" các anh ở chính nơi những chàng trai tuổi đôi mươi gác lại mọi niềm riêng, sẵn sàng huấn luyện lên đường chiến đấu.
Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu gian nan, ông Nguyễn Bình Minh cho biết, tháng 8/1970, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau 4 tháng huấn luyện tại Trung đoàn 5 - Yên Tử, chiến sĩ trẻ Nguyễn Bình Minh được gửi tham gia Chiến dịch đường 9 - Nam Lào với nhiệm vụ là chiến sĩ thông tin tại Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 308. Để đảm bảo thông tin thông suốt, những người làm nhiệm vụ luôn phải làm việc trực tiếp dưới mưa bom, bão đạn, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Đã có nhiều đồng đội ngã xuống ngay trước mắt người lính trẻ Nguyễn Bình Minh, trong đó có hai người bạn cùng học phổ thông, cùng huấn luyện tại Trung đoàn 5 - Yên Tử.
Sau khi Chiến dịch đường 9 - Nam Lào thắng lợi, ông Minh cùng đồng đội tại Sư đoàn 308 chuẩn bị cho những đợt chiến đấu mới. Tháng 1/1972, Sư đoàn 308 và các đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch Quảng Trị. Ông và đồng đội chiến đấu dũng cảm ở mặt trận khốc liệt này cho đến ngày ký hiệp định Paris tháng 1/1973. Đến năm 1977, ông được chuyển ngành để học đại học. Tốt nghiệp Đại học Thương mại Hà Nội, ông Nguyễn Bình Minh quay về Hải Phòng công tác tại các Sở Thương mại, Công Thương thành phố, có 15 năm giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Công Thương.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Trung đoàn 5 - Yên Tử thành lập ngày 15/6/1967, làm nhiệm vụ rèn quân, cung cấp cho các đơn vị quân, binh chủng của quân đội ta và kết thúc sứ mệnh này khi đất nước giải phóng năm 1975. Trong 8 năm hoạt động (1967-1975), Trung đoàn 5 - Yên Tử đã huấn luyện 113 tiểu đoàn với 72.000 quân. Từ Yên Tử, những người lính Trung đoàn 5 đã tỏa đi chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, hỗ trợ nhân dân Lào, Campuchia giải phóng đất nước, trong đó có hơn 20.000 chiến sĩ đã hy sinh, hàng nghìn người vẫn chưa thể biết được danh tính. Dù Đảng, nhà nước, các địa phương, tổ chức, đoàn thể đã dành nhiều sự quan tâm, nguồn lực để đưa hài cốt các liệt sĩ trở về, nhưng việc tìm kiếm, xác định danh tính của các liệt sĩ còn hết sức khó khăn.
* Nhiều hoạt động tri ân
Cũng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Cầu Nhe (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Hồi 12 giờ 45 phút ngày 15/4/1968, có 53 chiến sĩ - những người con thân yêu của thành phố Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc, thuộc Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5- Yên Tử (Đoàn 1019) Quân khu 3, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đã vĩnh viễn nằm lại Cầu Nhe.
Dịp 22/12/2024, Thành đoàn Hải Phòng tổ chức chương trình về nguồn, trao tặng gần 3 tỷ đồng kinh phí tôn tạo công trình tri ân thanh niên xung phong và trao quà tặng cho học sinh nghèo, gia đình chính sách vượt khó tại tỉnh Hà Tĩnh. Trong chương trình, lãnh đạo Thành đoàn Hải Phòng và lãnh đạo các quận, huyện đoàn, đoàn cơ sở tới thắp hương tri ân các liệt sĩ đã hy sinh tại Khu di tích lịch sử Cầu Nhe.
Tại chương trình, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Lê Khắc Nguyên Anh xúc động bày tỏ, thế hệ trẻ thành phố Cảng luôn khắc ghi công lao của lớp lớp cha, anh đi trước. Chương trình về nguồn góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tin, lý tưởng cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên. Thanh niên thành phố Cảng nguyện phát huy tinh thần "Trung dũng - Quyết thắng", là những thanh niên tiêu biểu, lý tưởng của con người xã hội chủ nghĩa, đưa thành phố, đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Trước đó, ngày 8/4/2023, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 53 liệt sĩ, khánh thành công trình tu bổ Khu di tích lịch sử Cầu Nhe. Tham dự chương trình có các lãnh đạo Đảng, nhà nước và lãnh đạo các địa phương, thể hiện sự tri ân sâu sắc của nhân dân, đất nước đối với những hy sinh lớn lao của những chiến sĩ Trung đoàn 5 Yên Tử. Các anh là những "bông phượng thắm" của thành phố Cảng, đã cùng quân và dân cả nước dành máu xương, sức lực để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước, để Tổ quốc vang khúc khải hoàn ngày 30/4/1975./.
- Từ khóa:
- Trung đoàn 5 Yên Tử
- Hải Phòng
- hoa phượng đỏ