Các địa phương, đơn vị tăng cường thông tin, vận động nhân dân thực hiện biện pháp phòng, chống bão, bảo vệ an toàn người và tài sản; thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn…
Các địa phương đã triển khai phương án chủ động ứng với phó với bão số 3, không chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ...
* Sáng 4/9, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố) thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, chủ động tham mưu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, UBND thành phố các nội dung chỉ đạo để ứng phó.
Sở chủ động kiểm tra công trình phòng, chống thiên tai; đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện các công trình phòng chống thiên tai có các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, nhất là các công trình cống dưới đê đang thi công; chủ động trao đổi cùng Sở Giao thông Vận tải để thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.
Các địa phương, đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, bảo vệ an toàn người và tài sản; hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn; bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn…
Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, thực hiện phương án phòng chống bão, sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và phương tiện đã về nơi neo đậu; kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, khu, cụm công nghiệp, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng… Đồng thời có biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi, đô thị; bảo vệ sản xuất; rà soát, sẵn sàng phương án và đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn. duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I chỉ đạo, hướng dẫn phương tiện neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến công trình, kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra.
Huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ dự báo có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão đã sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng phó.
Bí thư Huyện ủy Bạch Long Vĩ Bùi Trung Tiến cho biết, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ đã phối hợp với Ban Quản lý Cảng và Khu neo đậu tàu liên lạc, thông báo cho các chủ tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, trong âu cảng khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Đồng thời phối hợp với Trạm Rada 490 theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt số tàu, thuyền đang hoạt động; giữ vững thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Các cơ quan, đơn vị, khu dân cư chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng; quản lý, bảo vệ vật nuôi, cây trồng.
Tại Cát Hải, Chủ tịch UBND huyện Bùi Tuấn Mạnh cho biết, đến 10 giờ ngày 4/9, ở huyện Cát Hải có 4.345 khách du lịch, trong đó có 1.692 khách quốc tế. Du khách đang khẩn trương "check out", các hoạt động giao thông vẫn bình thường
* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công điện về việc khẩn trương triển khai ứng phó với cơn bão số 3 năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, sở ngành, huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp, sẵn sàng điều động phương tiện, trang thiết bị, nhân lực phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát các vị trí ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ sạt lở để chủ động giải pháp khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục chính.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, chỉ đạo triển khai có hiệu quả việc bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản. Đồng thời rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình khác, đặc biệt là ở vị trí xung yếu, công trình đang hư hỏng, vị trí đã xảy ra sự cố, sạt lở, công trình đang thi công dở dang...
Đến sáng 4/9, Thanh Hóa còn 835 phương tiện/6.566 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó có 820 phương tiện/6.397 lao động đang ở Vịnh Bắc Bộ; 13 phương tiện/149 lao động ở phía Nam Biển Đông; 2 phương tiện/20 lao động ở Hoàng Sa. Số phương tiện trên đã nắm được thông tin về vùng áp thấp, bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương. Có 5.281 phương tiện/13.335 lao động đã neo đậu tại bến an toàn.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai lực lượng, phương tiện thường trực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; duy trì 2 tàu BP 05-98-01, BP 05-13-01 và xuồng BP 05-15-01 trực sẵn sàng cơ động; chỉ đạo 4 đài thông tin báo bão thường xuyên kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số để chủ động vòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm.
* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo về UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để biết và có hướng xử lý nếu có vấn đề.
Tính đến 10 giờ ngày 4/9, toàn tỉnh Bình Định còn 1.313 tàu với 8.621 người đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, ngư trường giữa Hoàng Sa - Trường Sa có 203 tàu/1.218 người; ngư trường Trường Sa 352 tàu/2112 người; ngư trường Hoàng Sa – Bắc Biển Đông có 15 tàu/90 người. Số tàu thuyền còn lại chủ yếu ở các ngư trường gần bờ từ Hải Phòng – Kiên Giang.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện ven biển, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn đã liên lạc với gia đình chủ tàu, thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Tất cả các tàu trên biển đã nhận được thông báo và đang trên đường di chuyển, tránh khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, không có tàu ở vùng nguy hiểm như bản tin dự báo./.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương
- Từ khóa:
- Ứng phó với bão số 3
- chủ động
- phương án
- "4 tại chỗ"