Môi trường

Vai trò của cây xanh đô thị trong phát triển thành phố Cần Thơ xanh sạch đẹp

Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc phát triển cây xanh đô thị, đất phù sa nhiều chất dinh dưỡng cho cây xanh phát triển toàn diện; có vùng đệm ngoại thành nhiều mảng xanh cây ăn trái, mảng xanh thiên nhiên.

Thành phố Cần Thơ- Trung tâm, động lực phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Phan Tuấn Anh/ TTXVN

(TTXVN) Ngày 8/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp cùng Hội sinh vật cảnh thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo phân tích hiện trạng công viên, cây xanh đường phố và cây cảnh các quận trung tâm thành phố Cần Thơ.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có khoảng 25.000 cây xanh đường phố và 41 công viên, vườn hoa với tổng diện tích khoảng 20ha; chủ yếu tập trung tại các quận nội thành (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng). Còn tại các huyện, cây xanh chỉ tập trung tại một số trục chính của khu vực thị trấn. Thành phố Cần Thơ có nhiều cơ hội thuận lợi trong việc phát triển cây xanh đô thị, đất phù sa nhiều chất dinh dưỡng cho cây xanh phát triển toàn diện; có vùng đệm ngoại thành nhiều mảng xanh cây ăn trái, mảng xanh thiên nhiên...

Tuy nhiên, khi đề ra các giải pháp phát triển cây xanh đô thị như những đô thị khác, Cần Thơ cũng gặp phải nhiều thách thức. Cụ thể, cảnh quan ở Cần Thơ bằng phẳng, địa hình rất ít thay đổi nên khó tạo ra sự đa dạng. Cần Thơ là đô thị sẵn có, không thể chủ động tạo kiến trúc cảnh quan để tăng giá trị.

Các loài cây do dân tự trồng chiếm tỷ lệ nhiều (hoa sữa, điệp, sứ, ngọc lan…) chưa đáp ứng nhu cầu cây xanh đô thị; chưa chú ý đến các thành phần cây xanh khác (cây xanh bệnh viện, cây xanh trường học, cây xanh đình chùa, nhà thờ...).

Ngoài những hạn chế và thách thức nói trên, phát triển cây xanh đô thị cho thành phố Cần Thơ còn gặp các thách thức chung của biến đổi khí hậu như vấn đề sạt lở bờ sông, sụt lún đô thị, gió bão gây ngã đổ cây xanh.

Cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng đối với các đô thị trong tương lai, tạo bóng mát, điều hòa nhiệt độ trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quản lý cây xanh trong các đô thị hiện nay gặp nhiều thách thức như tâm lý nôn nóng muốn có bóng mát nhanh, trong vườn ươm có cây gì trồng cây đó, thiếu tính toán lâu dài, hạn chế về kinh phí…

Trước những thách thức đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chế Đình Lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), cây xanh đô thị phải được quản lý theo cả vòng đời của cây, như vậy công tác bảo đảm an toàn cây xanh đô thị mới bền vững.

Quản lý theo vòng đời, chăm lo đầu tư ban đầu, chọn loài cây đúng, ít ngã đổ; trồng đúng kỹ thuật, đầu tư hố trồng kỹ, rễ cây phát triển tốt sẽ không ngã đổ nhiều khi mưa bão. Trồng cây con từ vườn ươm, có rễ cọc, cây vững chắc ít ngã đổ khi gió lớn, ít tốn kém hơn so với trồng cây bứng.

Công tác chọn loài thực hiện theo quy hoạch cây xanh. Tuyến đường ngắn nên trồng cùng loài trên một lề. Đường có chiều dài trồng cùng loài theo đoạn để tạo cảnh quan, vừa đồng nhất vừa thay đổi đa dạng loài. Khi cây già cỗi, thay thế cây trồng mới cùng loài, sẽ giữ được cảnh quan, giữ được ký ức của cư dân về cảnh quan đô thị.

"Quản lý cây xanh theo vòng đời phải làm sao cho cây xanh đô thị cung cấp dịch vụ sinh thái tối đa với chi phí tối thiểu bằng cách tăng cường màu sắc (cây lá màu) và kết cấu (cây lá to, lá nhỏ, cây có nhiều dạng sống...) cho cảnh quan đô thị.

Tăng cường các cảnh quan có kết cấu để trồng dây leo, vừa tạo đa dạng, vừa ít tốn công chăm sóc cây lớn; hạn chế trồng cây có kích thước to, bứng từ nơi khác; không nên trồng các loài cây mau thối rễ trong điều kiện nước ngập", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chế Đình Lý nhấn mạnh.

Nhận định hiện nay quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở vùng đô thị trung tâm (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng,…) không còn, Tiến sỹ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật Hoa viên (trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố Cần Thơ cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị mới, vùng ven đô thị để trang trí thay cho các công trình bị bê tông hóa sẽ có tác dụng giúp thẩm thấu nước xuống đất, góp phần chống ngập và bảo tồn nguồn nước ngầm cho thành phố; đồng thời làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Đối với những quận nội đô, giải pháp tốt nhất để gia tăng mảng xanh là xây dựng các công trình hạ tầng xanh như vườn trên mái, vườn trên sân thượng, tường xanh, vỉa hè xanh.

Tiến sỹ Đinh Quang Diệp cho rằng, ở thành phố Cần Thơ, chủng loại cây xanh trồng trên đường phố không nên quá nhiều mà giới hạn khoảng 25-30 loài cây là thích hợp. Một số loài cây trồng đường phố mới có triển vọng như: Giáng hương ấn, kèn hồng, chàm bìa, bàng vuông, gõ nước, cây mộc, me tây - còn gọi là còng (Samanea saman), nho biển...

Tuy nhiên, để đảm bảo tính đa dạng thực vật cho hệ sinh thái đô thị, những loài cây xanh khác nên tập trung phát triển trồng trong các công viên, đặc biệt những công viên mới hoặc sẽ xây dựng trong tương lai.

Tại Hội thảo, theo các chuyên gia, trước hết, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây xanh đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển công viên, cây xanh đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đạt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh, phát triển bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, cây xanh có vai trò rất quan trọng với con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, có tác dụng lớn trong việc trong việc cải tạo khí hậu, bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt, công viên - cây xanh - mặt nước là một trong những yếu tố nghệ thuật bố cục không gian và cảnh quan đô thị, tạo bản sắc cho đô thị.

Chính vì vậy, các nhà quản lý đô thị cần xác định rõ tiêu chí đô thị phát triển phải bền vững, xanh - sạch - đẹp, bởi đây là chuẩn mực của quốc tế. Hệ thống cây xanh đô thị là yếu tố cải thiện môi trường, đồng thời làm phong phú đời sống văn hóa, mỹ quan và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt để thành phố Cần Thơ trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp./.

Thu Hiền

Xem thêm