Dấu ấn sâu đậm nhất mà Thiếu tướng Nguyễn Đắc Hương nhớ về Đại tướng Khamtay Siphandone là về chiến dịch Nậm Bạc vào mùa hè năm 1972.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương năm nay đã 106 tuổi, hơn 80 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhiều năm liền làm chuyên gia giúp đỡ cách mạng Lào tiến hành kháng chiến giải phóng dân tộc. Ông và Đại tướng, Tổng Chỉ huy Khamtay Siphandone (tên gọi thân mật là anh Tám), nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào có mối quan hệ thân thiết như “anh em ruột thịt trong nhà”. Nghe tin Đại tướng Khamtay Siphandone qua đời, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương xúc động và đau lòng tột cùng, mọi kỷ niệm về một thời gắn bó, chia sẻ với người bạn chí cốt lại ùa về trong tâm trí của ông.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương đang sinh sống tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Phóng viên TTXVN chúng tôi đến thăm nhà khi ông đang dõi theo thông tin về lễ tang Đại tướng, Tổng chỉ huy Khamtay Siphandone. Ông lật mở từng trang trong quyển sổ nhỏ, chia sẻ những kỷ niệm khi làm chuyên gia giúp bạn Lào, đặc biệt là làm việc với anh Tám.
Ông nói: "Tôi được Trung ương cử sang làm chuyên gia giúp cách mạng Lào từ năm 1963, là giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất ở chiến trường Việt Nam và Lào. Lúc mới sang mình chưa biết tiếng Lào. Nhưng ngay ở lần gặp đầu tiên, anh Tám đã động viên. Anh nói, các anh không ngại, tôi nói tiếng Việt cũng tương đối, chúng ta là anh em một nhà, cùng một chí hướng...". Chính vì thế mà ông và anh Tám thân thiết với nhau ngay từ những ngày đầu, hỗ trợ nhau trong mọi việc. Ông trao đổi về việc xây dựng lực lượng du kích ở địa phương cho đến việc mở các chiến dịch lớn nhỏ. Còn anh Tám cũng nói rõ tất cả suy nghĩ, dự định và trao đổi với chuyên gia Việt Nam để tìm cách giải quyết tốt nhất.
Dấu ấn sâu đậm nhất mà Thiếu tướng Nguyễn Đắc Hương nhớ về Đại tướng Khamtay Siphandone là về chiến dịch Nậm Bạc vào mùa hè năm 1972. Đây là chiến dịch quan trọng do liên quân Việt – Lào thực hiện, hướng đến đánh bại quân địch, giành lại thế chủ động trên chiến trường. Lúc này, quân địch đang tìm mọi cách tiêu diệt quân cách mạng Lào, đã âm mưu biến một vùng rộng lớn thành hệ thống căn cứ liên hoàn, kết hợp ba khu vực Phong Sa LiLuông, Pha Băng và Cánh đồng Chum, nhằm củng cố lực lượng và mở rộng vùng kiểm soát. Trước âm mưu này, Đại tướng, Tổng Chỉ huy Khamtay Siphandone yêu cầu phải mở chiến dịch giải quyết ngay, không để địch tụ lại và ở sâu trong lòng hậu phương của ta. Các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã đồng ý mở chiến dịch Nậm Bạc vào năm 1972.
Trước khi bắt đầu chiến dịch Nậm Bạc, đã diễn ra một câu chuyện hết sức nhân văn. Đó là, Đại tướng Khamtay Siphandone đề nghị các chuyên gia nghiên cứu cách thức tác chiến sao cho mục tiêu của mỗi trận đánh là bắt sống nhiều tù binh hoặc đẩy địch ra khỏi căn cứ, thay vì tiêu diệt họ bằng hỏa lực. Bởi lẽ để chiến dịch thành công, giúp dân tộc Lào phát triển thịnh vượng lâu dài sau khi đất nước thống nhất, thì cần giáo dục và cải tạo các tù binh, giúp họ nhận thức đúng đắn và trở thành những công dân chân chính của Lào.
Nói đến đây, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhấn mạnh: "Chỉ với một quan điểm như vậy đã cho thấy anh Tám là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng về tương lai của đất nước mình, vị tướng có nhân sinh quan cách mạng trong sáng, mọi suy nghĩ, việc làm của anh đều vì đất nước Lào".
Từ quan điểm này của Đại tướng Khamtay Siphandone, các chuyên gia Việt Nam đã thay đổi phương thức tác chiến, chuyển từ chiến lược "diệt điểm" sang "phá điểm", tạo điều kiện cho lính Lào tháo chạy và tổ chức lực lượng mai phục để bắt tù binh. Khi nghe kế hoạch tác chiến mới, Đại tướng Khamtay Siphandone đã hoàn toàn đồng ý, vì phương án này không chỉ phá hủy được căn cứ của địch, ngăn chặn sự phát triển của chúng vào sâu trong hậu phương mà còn giúp cứu nhiều thanh niên Lào bị lôi kéo đi theo địch. Kết thúc trận đánh, các cánh quân mai phục đã bắt được 3.200 lính người Lào đưa đi cải tạo.
Qua trận này, các chuyên gia Việt Nam rút được ý nghĩa sâu sắc và nhân văn. Từ sau chiến dịch Nậm Bạc, nguyên tắc bất di bất dịch là sau mỗi trận đánh càng bắt được nhiều tù binh càng tốt, chỉ tiêu diệt những tên ngoan cố chống trả. Đại tướng Khamtay Siphandone vui mừng không chỉ vì giành chiến thắng lớn mà còn giúp liên quân Việt - Lào làm chủ một vùng đất rộng lớn với ít lính địch bị tiêu diệt. Đây cũng là trận đánh tiêu biểu trong cách mạng Lào.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương kể tiếp: "Các chuyên gia Việt Nam thường hay lên kế hoạch mở chiến dịch đánh địch vào mùa mưa còn mùa khô thì rút quân về để bồi dưỡng, bổ sung lực lượng. Lúc đó, anh Khamtay Siphandone cho rằng cách này giống như đánh giặc theo mùa... Do đó, tôi nói với anh Tám, nước Lào còn nghèo, lương thực dự trữ hầu như không có gì, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nhiệt. Mà có thực túc thì binh mới cường nên mới có kiểu đánh giặc theo mùa là vậy... Sau đợt tranh luận này, liên quân Việt – Lào mở chiến dịch Mường Suổi và thắng lớn. Anh Tám nói từ nay chúng ta bỏ tiền lệ mùa mưa cho quân nghỉ, mùa khô mới đánh, chúng tôi đồng ý với anh Tám. Tuy nhiên chúng tôi vẫn lưu ý vấn đề cơ bản là phải có dự trữ chiến tranh và anh Tám cũng đồng ý"...
"Có lần sau khi làm việc với Đại tướng, Tổng chỉ huy Khamtay Siphandone xong, chúng tôi lên xe về vào ban đêm. Xe bật đèn gầm để tránh địch do thám bằng máy bay OV10 phát hiện. Xe chạy được một đoạn, đồng chí lái xe thông báo xe bị máy bay địch phát hiện cần phải ẩn nấp khẩn cấp. Chúng tôi vừa vào nấp trong hang thì chiếc xe chở trúng đạn, cháy rụi. Nhận được tin hung tôi thoát nạn, anh Tám rất vui, nói mạng chúng tôi lớn lắm, còn giúp cách mạng Lào dài lâu. Mỗi dịp gặp gỡ, anh Tám đều căn dặn anh em phải xem lịch sử đấu tranh cách mạng Việt – Lào là những trang sử đẹp nhất, là hòn ngọc quý giá nhất không gì sánh bằng. Tất cả chúng ta đều phải ghi nhớ và dặn dò con cháu gìn giữ mối quan hệ bền vững keo sơn này cho muôn đời sau", ông Huỳnh Đắc Hương chia sẻ.
Biết tin Việt Nam để Quốc tang 2 ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta sang Lào viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào Khamtay Siphandone, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhấn mạnh: Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, thể hiện mối quan hệ và tình cảm đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc. Đây cũng là sự tiếp nối liền mạch tình cảm gắn bó keo sơn giữa các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, mối quan hệ gắn bó từ trái tim đến trái tim như Bác Hồ đã từng nói “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào, hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”./.