Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã có những vi phạm nghiêm trọng.
TTXVN - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Kiến nghị số 17/KN-VKSTC về việc khắc phục vi phạm trong việc tổ chức thi hành án vụ việc Công ty Cổ phần Nam Thái Bình Dương do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức thi hành vì có nhiều vi phạm.
* Nhiều vi phạm trong tổ chức thi hành án
Theo nội dung Kiến nghị số 17/KN-VKSTC, trên cơ sở kết quả kiểm sát hồ sơ tổ chức thi hành án vụ việc Công ty cổ phần Nam Thái Bình Dương do Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm tổ chức thi hành, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên đã có những vi phạm nghiêm trọng.
Trong đó, Chấp hành viên vi phạm về việc không thực hiện trách nhiệm trong việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án. Cụ thể, trên các tài liệu thể hiện Toà nhà số 73 Lý Nam Đế là 1 khối có các công năng sử dụng chung, được xây dựng trên 3 thửa đất, là “vật không chia được” hoặc “vật đồng bộ”; nếu bị phân chia sẽ không bảo toàn được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, bị giảm đáng kể giá trị sử dụng. Theo quy định, việc kê biên phải kê biên toàn bộ tòa nhà, nhưng Chấp hành viên vẫn ra Quyết định cưỡng chế kê biên và thực hiện việc kê biên, bán một phần Tòa nhà số 73 Lý Nam Đế, làm giảm công năng sử dụng, giảm đáng kể giá trị tài sản kê biên, phần Toà nhà số 73 còn lại (không kê biên) cũng bị giảm giá trị.
Trước khi kê biên, Chấp hành viên không xác minh cụ thể tài sản, không yêu cầu cơ quan chuyên môn, không thuê chuyên gia để làm rõ những vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản và việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng để xác định công trình xây dựng này được tồn tại hay phải phá dỡ; có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, làm cơ sở cho việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá.
Kết quả kiểm tra hiện trạng và Biên bản cưỡng chế kê biên tài sản thể hiện, tất cả các tầng đều có diện tích 132,9m2, nhưng theo bản vẽ thiết kế hoàn công và hình ảnh thực tế của Tòa nhà thì từ tầng 2 đến tầng 6 được xây dựng có một phần góc đua ra, không có thông số cụ thể. Dẫn đến diện tích kê biên bị thiếu.
Bên cạnh đó, hiện trạng trong Tòa nhà số 73 Lý Nam Đế có các tài sản bảo đảm hoạt động bình thường như: trạm biến áp, hệ thống điện, nước, điều hòa âm trần..., nhiều tài sản thuộc sở hữu của Công ty Thiên Đại Thành (là Công ty thuê lại tòa nhà), Chấp hành viên không xác minh làm rõ chủ sở hữu tài sản nhưng khi cưỡng chế kê biên cho người trúng đấu giá, Chấp hành viên vẫn thực hiện bàn giao các tài sản trên cho người trúng đấu giá.Kiến nghị số 17 nhận định, vì lí do Chấp hành viên không xác minh cụ thể về những đặc điểm, khiếm khuyết, tình trạng, pháp lý, diện tích thực tế các tầng và làm rõ các tài sản hiện có gắn liền với hoạt động tòa nhà đang sử dụng để kê biên đầy đủ tài sản, nên không cung cấp đủ các thông tin về tài sản kê biên cho Tổ chức thẩm định giá, kết quả Chứng thư thẩm định về giá trị tài sản là không chính xác, dẫn đến kết quả chứng thư không đảm bảo cơ sở pháp lý để được sử dụng làm giá khởi điểm bán đấu giá tài sản.
* Kiến nghị huy bỏ kết quả đấu giá
Cũng theo nội dung Kiến nghị số 17, theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản thì việc nộp tiền đặt trước là yếu tố quan trọng, quyết định điều kiện tham gia đấu giá của khách hàng. Tại cuộc đấu giá lần thứ 7 (đấu giá thành), thời hạn nộp tiền quy định kết thúc trước 17 giờ ngày 19/5/2023. Tuy nhiên, tại bản sao kê tài khoản của Công ty đấu giá từ Ngân hàng thể hiện, đến 17 giờ 11 phút 17 giây, ông Phan Quang Nghĩa (người trúng đấu giá) mới bắt đầu nộp tiền đặt trước và nộp xong lúc 17 giờ 19 phút 23 giây ngày 19/5/2023 (với tổng cộng 15 lần chuyển tiền). Như vậy, ông Nghĩa đã không nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá theo đúng thời hạn nộp tiền do Tổ chức đấu giá thông báo công khai là không đủ điều kiện tham giá đấu giá.
Nội dung Kiến nghị cũng thể hiện việc Công ty đấu giá vi phạm điểm c khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản, điểm d khoản 5, điểm b khoản 7 Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc hạn chế người tham gia đấu giá; gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, lần đấu giá thứ 7 (đấu giá thành) thì cả Thông báo đấu giá, Quy chế cuộc đấu giá và Báo in đều chỉ quy định cho phép người tham gia đấu giá nộp hồ sơ và phiếu trả giá qua đường bưu điện, bỏ qua hình thức nộp trực tiếp theo luật định, làm hạn chế, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá.
Kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, việc Tổ chức đấu giá cố tình cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá và trúng đấu giá; hạn chế, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá là căn cứ để huỷ bỏ Hợp đồng dịch vụ đấu giá theo điểm b, c khoản 6 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản, dẫn đến việc phải huỷ kết quả đấu giá theo khoản 3 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản và điểm b khoản 7 Điều 24 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.
Chấp hành viên đã không thực hiện đúng trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong việc giám sát quá trình Tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản nên không kịp thời phát hiện các vi phạm nghiêm trọng nêu trên của Tổ chức đấu giá để chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo điểm đ khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản.
Từ những quan điểm trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm thực hiện các nội dung sau: chỉ đạo Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án thực hiện việc huỷ bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá, kết quả đấu giá và hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; chỉ đạo Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án khắc phục những vi phạm trong việc xác minh, cưỡng chế kê biên tài sản đã nêu trên để tổ chức lại việc kê biên, xử lý tài sản thi hành án theo đúng quy định của pháp luật./.
- Từ khóa:
- thi hành án