Chính phủ, Bộ Ngoại giao Phần Lan tiếp tục đồng hành hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong chặng đường sắp tới, góp phần xây dựng Việt Nam an toàn trước thiên tai, sạch đẹp về môi trường và phát triển hội nhập quốc tế.
Ngày 27/11, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo thúc đẩy hiện đại hóa và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, thông qua các dự án hợp tác hiệu quả đã góp phần to lớn trong công tác dự báo, cảnh báo sớm thời tiết, thiên tai và hỗ trợ công tác hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam. Đồng thời, cán bộ ngành Khí tượng thủy văn được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực bởi các chuyên gia Phần Lan, qua đó làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ tin tưởng, Chính phủ, Bộ Ngoại giao Phần Lan tiếp tục đồng hành hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong chặng đường sắp tới, góp phần xây dựng Việt Nam an toàn trước thiên tai, sạch đẹp về môi trường và phát triển hội nhập quốc tế, cùng với toàn thế giới ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ông Sami Kiesiläinen, Cơ quan Khí tượng Phần Lan cho biết: Nằm trong chương trình hợp tác, Dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa dịch vụ khí tượng thủy văn ở Việt Nam” đã góp phần hiệu quả vào khả năng của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam trong công tác cảnh báo sớm đối với bão nhiệt đới, gió mạnh và mưa lớn. Sự hợp tác lâu dài giữa Cơ quan Khí tượng hai nước Phần Lan và Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và dự báo thời tiết của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể ứng phó tốt hơn với các rủi ro ngày càng tăng, liên quan đến khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…
Còn đối với Dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý chất lượng không khí tại các khu vực đô thị của Việt Nam”, theo bà Katja Lovén, Cơ quan Khí tượng Phần Lan, các hoạt động đang tiến triển hiệu quả. Các hội thảo về chất lượng không khí đã được tổ chức để cung cấp hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm giải pháp tốt nhất từ Phần Lan về thiết kế mạng lưới giám sát chất lượng không khí.
Đề cập đến hệ thống hỗ trợ dự báo khí tượng trong phân tích, dự báo thời tiết hàng ngày và thời tiết nguy hiểm, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Hoa, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, hệ thống này cho phép hiển thị các dữ liệu quan trắc và dự báo từ mô hình theo nhiều cách khác nhau (hình ảnh, biểu đồ, đồ thị...) để tạo ra các sản phẩm tham khảo, hỗ trợ dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, không khí lạnh, mưa phùn và sương mù, nắng nóng, gió mạnh trên biển... Từ đó giúp các dự báo viên đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo cuối cùng về thời tiết.
Dịp này, ông Hoàng Công Huy, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) đã thông tin về mô hình Silam (mô hình đánh giá và dự báo chất lượng không khí tiên tiến). Hệ thống mô hình này giúp đưa ra những thông tin về chất lượng không khí, công bố tới các nhà quản lý cũng như cộng đồng về hệ thống mô hình cung cấp thông tin theo thời gian thực và có khả năng áp dụng tại Việt Nam để phát triển hệ thống dự báo chất lượng môi trường không khí của quốc gia, địa phương...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu đặc điểm dông sét ở Việt Nam; giải pháp của khu vực tư nhân về thời tiết, chất lượng không khí và hợp tác trong tương lai.../.
- Từ khóa:
- Việt Nam
- Phần Lan
- hợp tác
- khí tượng thủy văn
- môi trường