Nhiều bị cáo là “mắt xích” trong đường dây tội phạm quốc tế.
Ngày 15/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 21 bị cáo trong đường dây rửa tiền xuyên quốc gia. Trong đó, có 14 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự) và 7 bị cáo bị truy tố về tội “Rửa tiền” (theo quy định tại Điều 324, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự). Trong số này, nhiều bị cáo là “mắt xích” trong đường dây tội phạm quốc tế Jibian như: Mặc Bình Hưng (Tổ phó Tổ Tài vụ) và nhiều nhân viên Tổ nhập khoản của Bộ phận 777pay (thuộc Jibian).
Theo cáo trạng, cuối tháng 8/2022, chị Nguyễn Thị L (sinh năm 1985, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào mạng xã hội Facebook thì thấy một tài khoản đăng tin tuyển kế toán online, công việc là nhập số liệu cho “Công ty kế toán Anpha” nên đã liên hệ, gửi thông tin để xin việc. Sau đó, có một người phụ nữ liên hệ, hướng dẫn chị L truy cập một website để đăng ký tài khoản. Đăng ký xong, chị L được cấp ID để làm nhiệm vụ. Công việc chính là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc bị nhập sai số tiền của đơn hàng mà Công ty cần sửa.
Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận được từ 3 - 10 đơn hàng theo các khung giờ cố định. Sau đó, một số đối tượng đã liên hệ với chị L qua ứng dụng telegram hướng dẫn, giới thiệu, yêu cầu chị L nạp tiền, thực hiện công việc, nhận tiền hoa hồng… Theo yêu cầu của đối tượng, chị L đã 2 lần chuyển tiền thực hiện đơn hàng. Lần 1, chị L chuyển 160.000 đồng, nhận lại được 250.000 đồng. Lần 2 chị L chuyển 3 triệu đồng, nhận lại gần 4,5 triệu đồng. Chị L sau đó được thêm vào nhóm nhận nhiệm vụ cao hơn.
Tại nhóm mới, chị L đã chuyển 30 triệu đồng tới một tài khoản theo yêu cầu nhưng không rút tiền ra được. Lúc này, đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị L tiếp tục chuyển tiền mới rút được số tiền đã chuyển. Để lấy lại tiền, từ ngày 25/8/2022 đến ngày 30/8/2022, chị L đã 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp với tổng số gần 20 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, chị L không rút ra được. Biết mình bị lừa, chị L đã đến Công an thành phố Hà Nội trình báo.
Qua điều tra, cơ quan công an kết luận, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị L đã cấu kết, thuê Bộ phận 777pay rửa tiền. Bộ phận 777pay đã cung cấp các tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị L chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.
Từ ngày 27/9/2022 đến ngày 9/11/2022, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Mặc Bình Hưng và nhiều đối tượng khác thuộc Bộ phận 777pay. Theo cơ quan điều tra, các đối tượng này có hành vi đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của chị L để cho các đối tượng liên quan khác rửa tiền giúp nhóm lừa đảo.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, Công ty Jinbian là một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app (ứng dụng) đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo như một cổng thanh toán trung gian. Doanh nghiệp này có trụ sở tại tòa nhà Starcity, đường Russian Federation, Blvd 110, thủ đô Phnompenh, Vương quốc Campuchia.
Xác minh theo dòng tiền chị L bị chiếm đoạt, cơ quan điều tra xác định Phan Văn Minh (sinh năm 1978, ở Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những đầu mối rửa tiền cho nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua hình thức làm cộng tác viên online. Minh đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất gia công thương mại dịch vụ Minh Phúc và kinh doanh mua bán ngoại tệ.
Từ năm 2020, Minh bắt đầu nhận rửa tiền bằng hình thức nhận tiền đồng Việt Nam qua tài khoản rồi cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho khách, hoặc chuyển đến các tài khoản ngân hàng do khách chỉ định. Để hoạt động, Minh thuê các bị cáo khác mở các tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển tiền và rút tiền; thuê người làm kế toán và quản lý các tài khoản ngân hàng và chuyển tiền online.
Trong vụ án này, Minh nhận rửa tiền hơn 10 tỷ đồng là số tiền của Bộ phận 777pay chuyển đến. Hành vi của Phan Văn Minh và nhóm đồng phạm phạm vào tội “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 324, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 5 ngày./.