Nhà báo Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam là người thực sự say mê và gắn bó với báo chí cách mạng Việt Nam.
Làm báo “Suối reo” trong nhà tù đế quốc, làm báo “Cứu quốc” tiến tới Cách mạng tháng Tám, làm báo và lãnh đạo báo chí trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, tham gia mở trường đào tạo báo chí Huỳnh Thúc Kháng… Có thể nói, nhà báo Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam là người thực sự say mê và gắn bó với báo chí cách mạng Việt Nam.
* Nhà báo cách mạng tài hoa
Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nhà báo Xuân Thủy đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực báo chí. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, cách đây khoảng 90 năm, người thanh niên Xuân Thủy đã bắt đầu tham gia làm cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc Tân văn, Hà thành Ngọ báo... Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài tuyên truyền phục vụ cách mạng.
Sau khi bị bắt và đày lên nhà tù Sơn La, trong môi trường ngục tù khắc nghiệt, ông đã cùng những người bạn tù cộng sản đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với tờ báo mang tên “Suối reo”. Dưới sự chủ bút của Xuân Thủy, sự tham gia của những tù nhân cộng sản khác như Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch… tờ “Suối reo” được đánh giá là một di sản đặc biệt quý giá của báo chí cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1944, nhà báo Xuân Thủy được giao làm chủ nhiệm, chủ bút Báo “Cứu quốc” của Việt Minh. Ông vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng... Dưới sự lãnh đạo của Chủ nhiệm Xuân Thủy, “Cứu quốc” trở thành một tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong cả nước lúc bấy giờ, là ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng, ngọn cờ tập hợp quần chúng, có đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nhà báo Xuân Thủy cũng là người chủ trì hợp nhất Báo Cứu quốc và Báo Giải Phóng, đặt tên báo là “Đại Đoàn Kết”.
* Xây dựng đội ngũ báo chí cách mạng
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, nhà báo Xuân Thủy được cử làm Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ kiêm Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Đồng thời ông cũng được giao trách nhiệm tiếp tục làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo “Cứu quốc”. Với chức vụ là Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ kiêm Trưởng ban Tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, ông là người được giao trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo xây dựng hệ thống thông tin báo chí phục vụ các nhiệm vụ của nhà nước dân chủ nhân dân vừa mới ra đời.
Sáng 22/8/1945, ông tổ chức cuộc họp tại Bắc Bộ phủ để truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng hệ thống các cơ quan thông tin tuyên truyền. Tại cuộc họp này, ông Xuân Thủy giao cho ông Trần Kim Xuyến xây dựng bộ máy của Bộ Thông tin Tuyên truyền, ông Trần Lâm phụ trách thành lập Đài phát thanh quốc gia trực thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền và ông Chu Văn Tích lo xây dựng Sở Tuyên truyền Bắc Bộ.
Dưới sự chỉ đạo của nhà báo Xuân Thủy, ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện phát sóng chương trình phát thanh đầu tiên. Cũng từ nội dung các chương trình phát thanh, các bản tin thông tấn đã được xây dựng và phát đi vào ngày 15/9/1945, báo hiệu với cả thế giới về sự ra đời của một hãng thông tấn của nước Việt Nam mới - Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, nhà báo Xuân Thủy là người trực tiếp chỉ đạo thành lập Đoàn báo chí Việt Nam năm 1945 và Đoàn báo chí kháng chiến năm 1947. Năm 1950, ông cũng là người được Trung ương Đảng giao chỉ đạo thành lập tổ chức Hội những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam và trực tiếp làm Chủ tịch Hội từ ngày thành lập đến năm 1961. Cả về tâm và tài, nhà báo Xuân Thủy là tấm gương sáng đáng kính trọng cho các thế hệ làm báo.
Tháng 7/1950, Đại hội của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Helsinki công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.
Từ tháng 5/1968, nhà ngoại giao, nhà báo Xuân Thủy giữ vai trò Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, ông đã rất thành công khi phát huy hiệu quả của cả ba hình thức: đấu tranh ở các phiên họp công khai; đấu tranh trong các cuộc họp báo và trả lời phỏng vấn các nhà báo; đấu tranh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Nhà báo Xuân Thủy không chỉ chủ trì các cuộc họp báo lớn và họp báo thứ Năm hằng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris, mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo, các hãng thông tấn phương Tây và các nước xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng đưa đến thành công của Hội nghị Paris về Việt Nam và Đại thắng Mùa xuân 1975.
* Người “thắp lửa” đào tạo báo chí
Năm 1949, với tư cách là Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh và là Chủ tịch Đoàn Báo chí kháng chiến, nhà báo Xuân Thủy được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ và ông là người tổ chức chính của trường đào tạo cán bộ viết báo mang tên nhà báo yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tại Chiến khu Việt Bắc. Ông là người đề nghị mời nhà báo Đỗ Đức Dục làm Giám đốc trường. Lớp học đầu tiên khai giảng ngày 4/4/1949, bế giảng ngày 6/7/1949.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhà báo Xuân Thủy là người tổ chức thành công Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trên cương vị là người đứng đầu công tác tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, phụ trách tờ Cứu quốc, tờ báo quan trọng hàng đầu của Tổng bộ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, nhà báo Xuân Thủy được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ là người tổ chức chính lớp đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên ở nước ta - Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, lớp đào tạo báo chí của Trường Huỳnh Thúc Kháng đã khai giảng khóa đầu tiên. Nhà báo Xuân Thủy với vai trò là Phó Hiệu trưởng - cán bộ quản lý làm công tác đào tạo, đồng thời là giảng viên huấn luyện, chịu trách nhiệm giảng dạy về đường lối và kỹ năng làm báo. Trong tiến trình phát triển đó, nhà báo Xuân Thủy đóng vai trò là người trực tiếp xây dựng nền móng vững vàng trong sự nghiệp đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhà báo - chiến sỹ cách mạng một lòng vì Tổ quốc.
Tuy chỉ đào tạo được một lớp duy nhất nhưng Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc đã đào tạo được nhiều nhà báo, văn nghệ sỹ và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng như Trần Kiên, Hải Như, Hữu Mai, Vương Như Chiêm, Từ Bích Hoàng, Trần Vũ, Phương Lâm, Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương... và để lại những kinh nghiệm quý báu cho hoạt động đào tạo báo chí sau này.
Năm 2019, địa điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia theo Quyết định số 182/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Có thể thấy, trong suốt cuộc đời cầm bút để hoạt động cách mạng, nhà báo Xuân Thủy với vai trò vừa là nhà báo, vừa là giảng viên đào tạo báo chí, đồng thời là nhà lãnh đạo, tổ chức thành lập các cơ quan báo quan trọng của nước nhà như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Dù ở cương vị nào của nghề, ông vẫn luôn nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam./.