Thời sự

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2024 do TTXVN bình chọn

TTXVN trân trọng giới thiệu 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2024:

1. Xung đột lan rộng tại Trung Đông

Đống đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 30/11/2024. 
Ảnh: IRNA/TTXVN

Giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza lan rộng với sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen. Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas tại Tehran trong thời gian nhậm chức của tân Tổng thống Iran đã dẫn tới các cuộc tấn công trực diện vào lãnh thổ của nhau giữa Iran và Israel. Tính đến ngày 25/12, xung đột đã làm khoảng 50.000 người thiệt mạng và hàng triệu người bị ảnh hưởng.

Ngày 26/11, Israel và Hezbollah đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, song đàm phán giữa Israel và Hamas vẫn bế tắc khiến hy vọng về một giải pháp chấm dứt xung đột ở Trung Đông vẫn xa vời.

2. Ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. 
Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ngày 5/11, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của ông cũng giành quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của vị Tổng thống thứ 47 báo hiệu những thay đổi lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ, tác động sâu rộng tới các quốc gia và khu vực trên toàn cầu trong những năm tới.

3. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ

Các lực lượng đối lập tại khu vực thành phố Homs, Syria. 
Ảnh: AA/TTXVN

Sau 13 năm nội chiến đẫm máu, ngày 8/12, lực lượng đối lập ở Syria đã giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, Tổng thống Bashar al-Assad và gia đình phải rời bỏ đất nước. Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad có khả năng tác động sâu rộng tới “bàn cờ” Trung Đông, đồng thời là nguy cơ đẩy khu vực này vào tình trạng hỗn loạn và chia cắt hơn. Cộng đồng quốc tế nỗ lực nhằm đảm bảo sự chuyển tiếp chính quyền và sớm ổn định tình hình tại quốc gia này.

4. Chiến sự Nga-Ukraine leo thang với nhiều diễn biến nguy hiểm

Trung tuần tháng 11, Ukraine lần đầu dùng tên lửa do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trong ảnh: Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. 
Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng 8/2024, lực lượng Ukraine đột kích và chiếm giữ nhiều khu vực tại tỉnh Kursk của Nga. Đây là cuộc tấn công trên bộ đầu tiên của một lực lượng quân sự nước ngoài nhằm vào Nga kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trung tuần tháng 11, Kiev lần đầu dùng tên lửa do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Moskva đã phóng tên lửa siêu vượt âm vào thành phố Dnipro của Ukraine và công bố học thuyết hạt nhân sửa đổi. Vụ sát hại tướng Igor Kirillov của Nga tại Moskva hôm 17/12 càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. Mặc dù lãnh đạo Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán, song lập trường của hai bên còn nhiều khác biệt.

5. Kinh tế thế giới phục hồi bất chấp những "cơn gió ngược"

Biểu tượng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bên ngoài trụ sở ở Washington, Mỹ. 
Ảnh: Reuters/TTXVN

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 3,2% bất chấp những rủi ro từ các cuộc xung đột địa chính trị, tranh chấp thương mại cùng những bất ổn liên quan đến các cuộc bầu cử. Các nền kinh tế lớn có xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên trong vòng 4 năm hạ lãi suất, trong khi nhiều ngân hàng trung ương khác cũng có động thái tương tự.

6. Năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại

Người dân tắm biển tránh nóng tại Beirut, Liban, ngày 17/7/2024.
 Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus nhận định năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại và là năm đầu tiên có nền nhiệt trung bình cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) khi nhân loại bắt đầu sử dụng lượng lớn nhiên liệu hóa thạch.

Cảnh thiệt hại do bão Helene tại bang North Carolina, Mỹ ngày 2/10/2024. 
Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nền nhiệt tăng là nguyên nhân làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như siêu bão Yagi làm hơn 600 người ở Đông Nam Á thiệt mạng, siêu bão Helene gây thiệt hại hơn 110 tỷ USD ở Mỹ, lũ lụt tại Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của 200 người. Tuy nhiên, nỗ lực toàn cầu về giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch chưa được thúc đẩy mạnh mẽ.

7. Giá vàng thế giới cao kỷ lục

Vàng được trữ tại một ngân hàng ở Frankfurt, Đức. 
Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng thế giới ngày 31/10 xác lập mức cao kỷ lục 2.790,15 USD/ounce, tăng khoảng 35% kể từ đầu năm, khiến giá vàng trong nước biến động mạnh. Nguyên nhân là do lạm phát leo thang, bất ổn địa chính trị, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xoay chiều chính sách tiền tệ… Nhiều ngân hàng trung ương tích cực mua vàng và coi vàng là tài sản dự trữ quốc gia. Giá vàng tăng mạnh đã làm giảm sức hút của các tài sản rủi ro, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền vào các tài sản khác.

8. Sự trỗi dậy của cánh hữu ở châu Âu

Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12/2024. 
Ảnh: THX/TTXVN

Đa số các cuộc bầu cử nghị viện ở châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu, cực hữu và phong trào dân tộc chủ nghĩa. Điều này không chỉ đặt ra thách thức đối với tương lai và sự ổn định của Liên minh châu Âu (EU) mà còn làm suy yếu nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu. Việc Chính phủ của Thủ tướng Pháp Michel Barnier không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm phản ánh sự bất ổn chính trị ở châu Âu.

9. Liên hợp quốc thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI

Biểu tượng của Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI trên màn hình điện thoại và máy tính ở Manta, Italy. 
Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 21/3, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về thúc đẩy các hệ thống Trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" vì sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối mặt với cả cơ hội và thách thức từ việc ứng dụng và quản trị AI.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng công bố Hướng dẫn về Đạo đức và Quản trị AI nhằm thúc đẩy việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Liên minh châu Âu (EU) chính thức kích hoạt đạo luật quản lý AI để bảo vệ quyền công dân trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

10. Tàu Thường Nga-6 thu thập mẫu vật từ phần tối Mặt Trăng

Các nhà nghiên cứu đặt thùng chứa những mẫu vật được tàu Thường Nga-6 thu thập từ Mặt Trăng vào hộp bảo vệ tại Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 26/6/2024. 
Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 25/6, tàu vũ trụ Thường Nga-6 đã hạ cánh an toàn xuống bãi đáp Siziwang Banner ở vùng sa mạc thuộc khu tự trị Nội Mông (miền Bắc Trung Quốc), mang theo các mẫu đất đá thu thập được từ vùng khuất của Mặt Trăng. Đây là thành tựu chưa từng có trong lịch sử nhân loại về khám phá Mặt Trăng. Các nhà khoa học kỳ vọng rằng các mẫu vật mà tàu Thường Nga-6 mang về, bao gồm đá núi lửa 2,5 triệu năm tuổi và các vật liệu khác, có thể giúp làm rõ những ẩn số về sự khác biệt địa lý ở hai mặt của Mặt Trăng./.

Xem thêm