Thời sự

50 năm thống nhất đất nước: Tháng Tư lịch sử trên “Quê hương năm tấn”

Thái Bình

Năm mươi năm sau ngày hòa bình, Thái Bình - “quê hương năm tấn” thuở xưa nay đã vươn lên chuyển mình mạnh mẽ nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn còn nhiều day dứt.

Khẩu hiệu chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Thư viện tỉnh Thái Bình.
Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Hòa chung khúc tráng ca trong những ngày tháng Tư lịch sử, trên mảnh đất Thái Bình – cái nôi của phong trào “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”, “Thóc thừa cân, quân vượt mức” càng trở nên thiêng liêng khi người dân hướng lòng mình tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.

* “Thóc thừa cân, quân vượt mức”

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không chỉ có mục tiêu xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ta ở miền Bắc mà còn nhằm xây dựng, củng cố căn cứ địa hậu phương chung của cả nước để tiến hành giải phóng miền Nam.

Thực hiện chủ trương này, khắp miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi. Với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, năm 1966 tỉnh Thái Bình trở thành địa phương đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha và có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Dù chỉ chiếm 5% diện tích đất đai của miền Bắc nhưng Thái Bình đã đóng góp từ 10 - 12% tổng số lương thực cho Nhà nước. Trong 4 năm (1965 - 1968), nhân dân Thái Bình đã giao nộp 337.110 tấn lương thực cho Nhà nước.

Giữa khó khăn, gian khổ, khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ” của Thái Bình đã cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Với vai trò hậu phương lớn, quân và dân Thái Bình vừa lao động, sản xuất cung cấp lương thực, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam vừa anh dũng chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình Trần Viết Doanh cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, Thái Bình lúc đó phải gánh chịu gần 8.000 lần chiếc máy bay, pháo hạm, đánh phá trong 1.015 ngày đêm. Chúng đã dội xuống 2.425 tấn bom đạn các loại, gây thương vong cho trên 4.000 người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân vừa bảo đảm sản xuất, vừa tổ chức công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân vừa đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Quân và dân Thái Bình đã anh dũng đánh trả 1.064 trận tập kích bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay các loại; bắn cháy 4 tàu chiến khi chúng đánh phá ven biển Tiền Hải; bắt sống 2 giặc lái.

Cùng với việc chi viện lương thực nhiều nhất cho chiến trường, Thái Bình cũng là địa phương có tỷ lệ dân số đi bộ đội trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ cao nhất cả nước. Hàng chục vạn người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã xung phong lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong đó, nhiều người đã anh dũng, góp phần quan trọng trong lịch sử hào hùng của dân tộc như: Đại tá Bùi Quang Thận (xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy) – người cắm lá cờ chiến thắng của quân đội ta trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) – một trong những chiến sỹ tình báo xuất sắc nhất của quân đội ta, người từng làm cố vấn cho ba tổng thống của chế độ Sài Gòn; Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương)…

*Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Quang cảnh Đền thờ Liệt sĩ Thái Bình.
Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Năm mươi năm sau ngày hòa bình, Thái Bình - “quê hương năm tấn” thuở xưa nay đã vươn lên chuyển mình mạnh mẽ nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn còn nhiều day dứt. Để giành độc lập, tự do cho dân tộc, trên 45.000 thương binh, bệnh binh Thái Bình đã hiến dâng một phần xương máu; hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Đặc biệt, 52.000 người con quê hương Thái Bình đã mãi mãi không trở về, trong đó rất nhiều liệt sỹ chưa rõ phần mộ, chưa biết tên hoặc chưa xác nhận được danh tính. Đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều gia đình, thân nhân liệt sỹ tỉnh Thái Bình đến ngày nay.

Chị Nguyễn Thị Hiền Trang, cán bộ Văn phòng Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình (nay là Sở Nội vụ) làm nhiệm vụ phục vụ tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh Thái Bình đã 10 năm nay cho biết: Với trên 52.000 liệt sỹ được ghi danh, nhiều năm nay, Đền thờ Liệt sỹ tỉnh đã trở thành địa chỉ tâm linh của người dân Thái Bình, nhất là với những cựu chiến binh, thanh niên xung phong và thân nhân các gia đình liệt sỹ vào mỗi dịp lễ kỷ niệm. Từng hàng tên các liệt sỹ được ghi danh theo từng xã, huyện tại đền thờ thể hiện lòng thành kính và biết ơn của thế hệ hôm nay đối với những anh hùng làm nên độc lập, tự do cho dân tộc.

Em Nguyễn Thùy Linh, lớp Giáo dục Mầm non 3C, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình chia sẻ, đến dâng hương tại Đền thờ Liệt sỹ tỉnh giúp em cũng như các bạn trẻ hiểu hơn về giá trị của độc lập, hòa bình; từ đó khơi dậy trong thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí vươn lên và khát vọng cống hiến trong thời đại mới, để xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước.

Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình tìm hiểu lịch sử qua hiện vật chiến tranh lưu giữ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh.
Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình luôn tự hào, biết ơn sâu sắc những hi sinh của thế hệ đi trước và coi đó là nguồn động viên tinh thần to lớn, là bài học quý báu cho thế hệ hôm nay và cả mai sau. Trong mỗi thời kỳ, dù khó khăn đến đâu, Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh nhà luôn coi công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhất các chính sách xã hội đối với người đã có công với nước, những người đã đóng góp, hi sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Cùng với nhiều chính sách cho người có công đã thực hiện, từ năm 1992 - 2011, toàn tỉnh Thái Bình có gần 13.000 nhà ở của người có công được xây mới, nâng cấp và tu sửa, với tổng kinh phí 72 tỷ đồng. Thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối năm 2019, tổng số hộ được UBND tỉnh Thái Bình quyết định phê duyệt danh sách cấp kinh phí hỗ trợ là 17.774 hộ (trong đó 11.371 hộ xây mới nhà ở, 6.403 hộ sửa chữa); trong đó, có 17.114 hộ đã thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở, được giải ngân hỗ trợ kinh phí.

Theo Quyết định 594/QĐ-UBND ngày 14/4/2025 của UBND tỉnh Thái Bình sẽ có 936 hộ gia đình thuộc Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ về nhà ở tỉnh Thái Bình được xây mới, sửa chữa nhà ở. Dự kiến trước ngày 20/6/2025 tỉnh sẽ hoàn thành Đề án này, bảo đảm tiêu chuẩn nhà ở kiên cố cho gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc ta./.

 

Đinh Thị Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm