Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 được coi là mốc son lịch sử của người dân Thủ đô, bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh.
Người dân Hà Nội đang trong không khí hân hoan chào đón 70 Giải phóng Thủ đô với nhiều hoạt động ý nghĩa. Mỗi sự kiện, lễ hội vào dịp này đều làm sống lại những thời khắc hào hùng của mùa thu lịch sử năm xưa khi “lớp lớp đoàn quân tiến về” Hà Nội.
*Cuộc hành quân lịch sử tiếp quản Thủ đô
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương: Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến 9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.
Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam của Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã tư Vọng sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng Xuân, vào Cửa Bắc.
Đúng 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Đồng chí Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng, trong đó có đoạn “Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào…Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó có các vị trí quân sự, cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt... Sinh hoạt của người dân vẫn giữ được bình thường, ổn định. Các ngành điện, nước, giao thông liên lạc thông suốt, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm tốt...
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 được coi là mốc son lịch sử của người dân Thủ đô, bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh.
70 năm kể từ mùa thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội – trái tim của cả nước được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Hà Nội đang trên hành trình phát triển bền vững, trở thành thành phố thông minh, sáng tạo, hiện đại nhưng vẫn gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của thành phố ngàn năm văn hiến.
*Khúc ca khải hoàn của người Hà Nội
"Tiến về Hà Nội" được xem là ca khúc "kì lạ" nhất viết về Ngày Giải phóng Thủ đô 5 năm trước khi sự kiện diễn ra, vậy mà mọi hình ảnh, không khí trong bài hát... dường như đều "trùng khít" với ngày 10/10/1954. Ca khúc đã miêu tả một cách sinh động động bằng âm nhạc, diễn tả được không khí náo nức, tưng bừng của đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô. Đặc biệt là hình ảnh các đơn vị tiếp quản Thủ đô đều từ các cửa ô tiến vào nội thành rất oai nghiêm, trùng trùng, lớp lớp y như như lời bài hát…
Đây là có thể coi là ca khúc nổi tiếng nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô, có sức sống mãnh liệt và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Với lời ca hào hùng, khí thế và sôi nổi, cho tới nay, ca khúc vẫn thường vang lên, nhất là vào dịp kỷ niệm ngày 10/10. Cũng chính vì thế mà "Tiến về Hà Nội" được xem như là "khúc ca khải hoàn" của người Hà Nội.
Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao kể lại: “…Nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo là sẽ viết một ca khúc về Hà Nội… Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và thế là nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi- "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...". Chỉ hai tuần lễ sau đó, tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội", khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát "Tiến về Hà Nội" của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy. Trong những kỷ niệm của tôi khi làm báo Thủ đô, tôi nhớ nhất là nụ cười rất hồn hậu của anh Lê Quang Đạo khi ngồi nghe tôi và các bạn tôi hát bài "Tiến về Hà Nội"…”.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bài hát hào hùng được mọi người dân yêu mến này từng trải qua những quãng thăng trầm bởi bị coi là lạc quan tến, chưa hợp thời... Phải đến ngày Thủ đô chính thức giải phóng, lời ca “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang lên trong mọi ngõ ngách của Hà Nội.
Nhạc sỹ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao (1923 - 1995), ông là tác giả của Quốc ca Việt Nam, một nghệ sỹ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật: Âm nhạc, thơ ca, hội họa. Ở lĩnh vực nào, ông cũng đạt đỉnh cao, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.
Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao luôn đồng hành cùng dân tộc. Mỗi tác phẩm đều ghi lại những dấu ấn quan trọng có giá trị về tư tưởng, phong cách và nghệ thuật riêng có. Những tác phẩm của ông đã vượt thời gian, lan tỏa đến nhiều thế hệ nghệ sỹ, công chúng, trong đó có người dân Thủ đô mỗi dịp Thu về…/.