75 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong: Đồng hành tháo gỡ khó khăn, thực hiện chế độ chính sách
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong vẫn còn những khoảng trống.
Những năm qua, việc chăm lo cho đời sống cựu thanh niên xung phong ở Hải Phòng đã được địa phương, các cấp Hội cựu Thanh niên xung phong và các tổ chức, đoàn thể quan tâm với nhiều việc làm ý nghĩa.
Ấm nghĩa tình đồng đội
Thanh niên xung phong là những người đã vượt qua gian khổ, dũng cảm và kiên cường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; cùng quân và dân cả nước đi qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới. Cũng như hàng chục nghìn thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh Hải Dương (cũ), năm 1970, khi vừa tròn đôi mươi, cô gái Trần Thị Hưng khi đó với bầu nhiệt huyết và lý tưởng đóng góp công sức để bảo vệ Tổ quốc, đã rời quê hương gia nhập đội quân thanh niên xung phong hùng hậu của cả nước, được phân công nhiệm vụ ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào.
Hoàn thành nhiệm vụ, năm 1973, bà Trần Thị Hưng trở về quê hương sinh sống tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương cũ, nay là phường Thành Đông, thành phố Hải Phòng. Cuộc sống hai vợ chồng cựu thanh niên xung phong chật vật nuôi 3 người con. Số phận éo le, chồng và các con của bà Hưng không may mất sớm. Với thu nhập bấp bênh từ làm thuê, bà Hưng gánh thêm trách nhiệm nuôi dạy cháu gái, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều năm sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, giấc ngủ không yên, nhất là mỗi khi mưa gió, bà Hưng chưa từng nghĩ sẽ có ngày sửa được chỗ ở vì quá nghèo.
Năm 2014, các cấp Hội cựu Thanh niên xung phong thành phố Hải Dương (cũ) đã hỗ trợ 50 triệu đồng giúp bà Hưng xây ngôi nhà mới. Từ khoản tiền hỗ trợ này cộng thêm tiền vay mượn họ hàng, bà Hưng đã có được ngôi nhà mới khang trang để không phải thấp thỏm, lo âu mỗi lần mưa bão. Ngoài khoản hỗ trợ trên, bà Hưng hiện được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên cho cựu thanh niên xung phong và là một trong những trường hợp được địa phương, Hội cựu Thanh niên xung phong thăm hỏi, động viên mỗi dịp lễ, Tết. Nghĩa tình đồng đội và sự sẻ chia từ đoàn thể, cộng đồng là ngọn lửa sưởi ấm tuổi già của người nữ cựu thanh niên xung phong neo đơn.
Việc chăm lo cho đời sống cựu thanh niên xung phong cũng được nhiều tổ chức, cá nhân chung tay góp sức. Theo ông Lê Đình Chếch, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hải Dương (cũ), 20 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã trao tặng 20.000 suất quà, với tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng; vận động kinh phí xây, sửa 200 căn nhà, với tổng trị giá 7 tỷ đồng, trao tặng 100 công trình nước sạch, khám và phát thuốc miễn phí cho hơn 8.000 lượt hội viên… Với tư cách nhân chứng lịch sử, Hội đã phối hợp cùng cơ quan chức năng giải quyết chế độ chính sách cho các hội viên. Đến nay, có 159 người được hưởng chế độ liệt sĩ; 162 người được hưởng chế độ thương binh; 8.146 người được hưởng bảo hiểm y tế; 182 người được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên của Nhà nước; 1.755 người được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng…
Tại khu vực Đông Hải Phòng (thành phố Hải Phòng cũ), công tác chăm lo cho cựu thanh niên xung phong cũng được thành phố và các cấp Hội chú trọng. Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hội cựu thanh niên xung phong thành phố Hải Phòng (cũ) đã phối hợp giải quyết chế độ chính sách cho 18.174 thanh niên xung phong; xây mới và sửa chữa 337 nhà tình nghĩa, trị giá trên 18 tỷ đồng; vận động trao tặng 111.348 phần quà, trị giá trên 65 tỷ đồng, tặng 1.319 sổ tiết kiệm… cho các hội viên khó khăn.
Giải quyết chế độ chính sách còn tồn đọng
Đảng và Nhà nước đã ban hành và ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách để chăm lo tốt hơn cho người có công nói chung, cựu thanh niên xung phong nói riêng; trong đó có Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong vẫn còn những khoảng trống. Hiện, khu vực Tây Hải Phòng mới chỉ có 1.755 người được hưởng chế độ theo Quyết định 62, còn hơn 10.000 trường hợp chưa được giải quyết hồ sơ. Ông Lê Đình Chếch cho biết, soi chiếu với quy định và hướng dẫn thực hiện Quyết định 62, các hội viên đều đúng đối tượng, thời gian, địa bàn và đã làm hồ sơ nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ.
Ông Phạm Đình Nhường, nguyên Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương cũ) chia sẻ, từ khi có Quyết định 62, Hội đã tích cực hướng dẫn hội viên, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết và đến nay đã có 631 người được hưởng chế độ, tuy nhiên hiện vẫn còn 319 người thuộc diện này đang tiếp tục chờ. Là người làm công tác Hội lâu năm, ông Nhường chia sẻ: "Chiến tranh đã lùi xa nên việc thu thập giấy tờ, hồ sơ để hưởng chế độ theo Quyết định 62 gặp rất nhiều khó khăn".
Cựu thanh niên xung phong Lê Đắc Đạc, trú tại phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Phòng cho hay: "Sau khi có Quyết định 62, nhiều thanh niên xung phong đã được giải quyết chế độ nên tôi và nhiều hội viên đã làm hồ sơ. Hội đồng chính sách của phường đã xác nhận từ năm 2023 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đa phần anh em tuổi đã cao, sức khỏe sa sút, đều không có lương hưu, nhiều người hoàn cảnh rất khó khăn. Chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết không chỉ ghi nhận và động viên tinh thần các cựu thanh niên xung phong mà còn giúp cho các hội viên bớt thiệt thòi".
Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hải Dương (cũ) xác định một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay là tập trung phát huy vai trò "nhân chứng sống", phối hợp với ngành chức năng rà soát, bổ sung hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách còn tồn đọng cho cựu thanh niên xung phong, nhất là những trường hợp theo diện hưởng của Quyết định 62. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, Hội sẽ tập trung để đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Lãnh đạo Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hải Dương (cũ) đề nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện chế độ chính sách với cựu thanh niên xung phong tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau 30/4/1975; đồng thời, xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị chưa được xác nhận phiên hiệu.
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950-15/7/2025) tổ chức ngày 18/6 tại Hải Phòng, lãnh đạo Trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã đề nghị Hội cựu thanh niên xung phong Hải Dương và thành phố Hải Phòng chủ động phối hợp, báo cáo cấp ủy chính quyền thành phố sớm ổn định bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ và duy trì hoạt động của Hội gắn với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đặc biệt, các đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong, đề nghị tặng và truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trở về./.