Bạc Liêu được 63,03 điểm (tăng 2,67 điểm so với năm 2022) nhưng về thứ hạng và điểm số vẫn nằm ở nhóm điều hành “tương đối thấp”, chưa nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023.
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật, tập trung đi sâu phân tích, mổ xẻ vấn đề để tìm ra nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với các tiêu chí giảm điểm; trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tại Hội nghị đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức ngày 29/8.
Để nâng cao điểm số và thứ hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ông Phạm Văn Thiều đề nghị, các cấp, ngành trong ngắn hạn tập trung vào 7 giải pháp như: tổ chức đối thoại hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp theo định kỳ hằng quý; đơn giản hóa, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến toàn trình; phát huy hiệu quả vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh. Các cấp, ngành xây dựng chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mời gọi đầu tư.
Về dài hạn, ông Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu các ngành, các cấp trong tỉnh cần chú trọng 7 giải pháp gồm: quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, trọng tâm là hệ thống quản lý đô thị thông minh tích hợp. Các cấp, ngành tiếp tục triển khai xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp; tập trung đào tạo lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại có hiệu quả, thực chất; huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.
Theo báo cáo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, tỉnh Bạc Liêu được 63,03 điểm (tăng 2,67 điểm so với năm 2022) nhưng về thứ hạng và điểm số vẫn nằm ở nhóm điều hành “tương đối thấp”, chưa nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023. Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần và 142 chỉ tiêu cơ bản. Trong số 10 chỉ số thành phần, Bạc Liêu có 6 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2022. Cụ thể, 6 chỉ số tăng điểm là: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền. Nhóm chỉ số thành phần năm 2023 giảm so với năm 2022 là: tiếp cận đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lí và an ninh trật tự.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố có ý kiến tham luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc; từ đó, đề xuất các giải pháp để cải thiện Chỉ số PCI trong thời gian tới. Các đại biểu đề nghị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cải cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai; tập trung cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết... theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, triển khai hiệu quả việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tiết giảm thời gian và chi phí./.