Trường hợp hồi sức sau thời gian ngừng tuần hoàn kéo dài này cùng với tổn thương rối loạn chuyển hóa, việc bệnh nhân không có di chứng là một kỳ tích.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh vừa cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện sau nhồi máu cơ tim cấp do tắc động mạch vành phải. Đây là trường hợp hy hữu khi bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn gần 20 phút được hồi sức thành công mà không để lại di chứng về thần kinh.
Khai thác thông tin qua người nhà bệnh nhân được biết, ông Nguyễn Quý Tính (63 tuổi, ở phường Việt Hùng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, gần đây thỉnh thoảng có cơn đau ngực nhưng không đi khám. Khoảng 13 giờ ngày 6/1, ông Tính đột ngột đau ngực trái, tức nghẹn, sau đó khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim chậm và được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân (thị xã Quế Võ). Trước khi nhập viện, ông đã hôn mê, mất ý thức. Các bác sĩ dự đoán, có thể bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn từ thời điểm đó.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân, kíp cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Thiện Nhân và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã thông tin hai chiều; đồng thời cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân trong 10 phút và có nhịp tim trở lại. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Qua trao đổi tình hình bệnh nhân qua điện thoại khi chuyển tuyến, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh nắm được sơ bộ tình hình bệnh nhân, lên phương án chủ động sẵn sàng phương tiện và nhân lực để tiến hành cấp cứu ngay khi tiếp nhận.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bảo Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, hồi 15 giờ 19 phút ngày 6/1, bệnh nhân Nguyễn Quý Tính được Trung tâm Cấp cứu và Vận chuyển 115 tiếp nhận trong tình trạng hôn mê sâu, mất ý thức, nổi vân tím toàn thân, chân tay lạnh, nhịp tim chậm, huyết áp xuống rất thấp, đồng tử hai bên giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng. Sau khi đánh giá kỹ tình trạng, phát hiện tắc động mạch vành phải, bệnh nhân được hội chẩn hồi sức tích cực và cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và tiến hành can thiệp tim mạch (đặt 2 stent mạch vành, tiếp tục thực hiện hồi sức sau can thiệp tim mạch).
Bác sĩ Phan Bảo Trung thông tin thêm, ngay sau khi can thiệp tim mạch xong, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân ở tình trạng toan chuyển hóa nặng và suy đa tạng. Bệnh nhân tiếp tục được duy trì 3 thuốc vận mạch liều cao, hồi sức hô hấp - tuần hoàn, hỗ trợ thông khí nhân tạo, điều trị nội khoa tối ưu theo phác đồ. Quá trình điều trị, bệnh nhân kích thích vật vã và tiếp tục được duy trì các biện pháp trên, đồng thời dùng an thần, giãn cơ, điều chỉnh các thông số máy thở.
Đến ngày 7/1, sau thời gian ngắn điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh, mạch và các chỉ số sinh tồn tạm ổn định, cắt được thuốc trợ tim, cai thở máy và rút ống nội khí quản thành công. Ngày 8/1, bệnh nhân tỉnh, mạch, nhiệt độ và huyết áp ổn định, bệnh nhân không có di chứng thần kinh; đồng thời đi lại nhẹ nhàng, trò chuyện thoải mái.
Theo phân tích của các bác sĩ, điều trị thành công ca bệnh đặc biệt này là nhờ sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố: các bác sĩ đã cấp cứu ban đầu đúng phác đồ, vận chuyển an toàn, can thiệp tim mạch kịp thời và hồi sức hiệu quả. Đáng chú ý, trường hợp hồi sức sau thời gian ngừng tuần hoàn kéo dài này cùng với tổn thương rối loạn chuyển hóa, việc bệnh nhân không có di chứng là một kỳ tích./.