Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến điện”
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến điện.
(TTXVN) Ban hành kèm theo Thông tư là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện tử với các thiết bị thông tin vô tuyến điện (QCVN 18:2022/BTTTT). Theo đó, Quy chuẩn quy định các yêu cầu chung về tương thích điện từ (EMC) đối với các thiết bị vô tuyến và phụ trợ liên quan, không bao gồm thiết bị thu quảng bá. Các thông số kỹ thuật liên quan đến cổng ăng ten của thiết bị vô tuyến và phát xạ bức xạ từ cổng vỏ của thiết bị vô tuyến và tổ hợp của thiết bị vô tuyến và thiết bị phụ trợ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này. Cách bố trí đo kiểm EMC và phương pháp đánh giá kết quả đo kiểm riêng thích hợp cho từng loại thiết bị vô tuyến được quy định trong các phần Điều kiện riêng liên quan tại các phần của bộ tiêu chuẩn ETSI EN 301 489. Trong trường hợp khác biệt (ví dụ về điều kiện riêng, định nghĩa, chữ viết tắt) giữa Quy chuẩn này và các quy định trong Điều kiện riêng liên quan tại các phần của bộ tiêu chuẩn ETSI EN 301 489 thì áp dụng phần Điều kiện riêng liên quan của bộ tiêu chuẩn ETSI EN 301 489.
Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quy định điều kiện riêng cho thiết bị/dịch vụ vô tuyến cụ thể, ví dụ trong trường hợp khởi tạo mới một dịch vụ vô tuyến hoặc một ứng dụng cụ thể, thì có thể sử dụng Quy chuẩn này cùng với thông tin riêng của thiết bị vô tuyến do nhà sản xuất cung cấp để kiểm tra các yêu cầu EMC như đã nêu ra trong Quy chuẩn này. Mã số HS của các thiết bị thuộc phạm vi của quy chuẩn này quy định tại Phụ lục G.
Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy chuẩn cũng đưa ra các quy định kỹ thuật về EMC; khả năng áp dụng các phép đo phát xạ; cấu hình đo; phát xạ từ cổng; phát xạ từ các cổng vào/ra nguồn điện DC; phát xạ từ cổng vào/ra nguồn điện AC; phát xạ dòng hài (cổng vào nguồn điện lưới AC); nhấp nháy và biến động điện áp (cổng đầu vào nguồn điện lưới AC); phát xạ từ cổng mạng hữu tuyến; miễn nhiễm; khả năng áp dụng các phép thử miễn nhiễm; cấu hình thử; miễn nhiễm trong trường điện từ tần số vô tuyến (80 MHz đến 6 000 MHz); miễn nhiễm đối với phóng tĩnh điện; miễn nhiễm đối với đột biến nhanh, chế độ chung; miễn nhiễm đối với tần số vô tuyến, chế độ chung; miễn nhiễm đối với đột biến, quá áp trong môi trường phương tiện vận tải; miễn nhiễm đối với sụt áp và gián đoạn điện áp; miễn nhiễm đối với quá áp.
Ban hành kèm theo quy chuẩn là các phụ lục quy định điều kiện đo kiểm; thiết bị phụ trợ; tiêu chí chất lượng; các phần tiêu chuẩn liên quan trong bộ tiêu chuẩn EN 301 489; mã HS của thiết bị thông tin vô tuyến điện và các phụ lục tham khảo về thông tin cung cấp cho phòng thử nghiệm; áp dụng các tiêu chuẩn EMC hài hòa đối với thiết bị đa vô tuyến, thiết bị vô tuyến đa tiêu chuẩn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2023. Thông tư số 21/2014/TT-BTTTT ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến điện” hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.
Kể từ ngày 1/7/2023, các thiết bị đầu cuối thiết bị thông tin vô tuyến điện (thuộc phạm vi điều chỉnh trong QCVN 18:2022/BTTTT) nhập khẩu và sản xuất trong nước phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 18:2022/BTTTT. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị đầu cuối thiết bị thông tin vô tuyến điện (thuộc phạm vi điều chỉnh trong QCVN 18:2022/BTTTT) áp dụng QCVN 18:2022/BTTTT kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành./.