Lễ hội xuống đồng của người Giáy là báo hiệu mở đầu cho một chu kỳ sản xuất, một mùa vụ mới; đây là dịp cúng thần cai quản địa bàn (Thổ địa) để cầu cho ngô, lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh.
Lào Cai đang là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong những ngày đầu Xuân năm mới. Đến với vùng biên cương Tổ quốc, du khách không thể bỏ qua những trải nghiệm độc đáo khi tham dự các lễ hội Xuân, cùng đồng bào hòa mình vào không khí rộn ràng mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, Lễ hội xuống đồng (Roóng Poọc) của người dân tộc Giáy ở xã Quang Kim, huyện biên giới Bát Xát là một điểm nhấn văn hóa đã được gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ, hàm chứa ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện niềm tự hào về bản sắc dân tộc.
Vào ngày Thìn đầu tiên của năm Ất Tỵ, tức ngày 4/2/2025 (ngày mùng 7 tháng Giêng), Ủy ban nhân dân xã Quang Kim tổ chức Lễ hội xuống đồng tại Sân vận động xã Quang Kim, thôn An Thành để ra quân sản xuất, với hy vọng một năm mới mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe, làng xóm an bình. Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước đến tham dự, chung vui.
Đối với đồng bào Giáy Quang Kim, Lễ hội xuống đồng là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Ngay từ sáng tinh mơ, gia đình anh Vi Thanh Quyền, Trưởng thôn Làng Pẳn đã dậy sớm cùng với người trong thôn chuẩn bị một mâm cỗ để cúng tế. Người mổ gà, luộc gà, hái măng, người đồ xôi, làm bỏng gạo hay nhuộm đỏ trứng gà đã luộc chín... Mỗi người một việc, không ai bảo ai, song đều có chung tâm niệm chọn ra những sản vật tốt nhất của địa phương để dâng tạ các vị thần đã phù hộ nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Anh Quyền cho biết, Lễ hội xuống đồng của người Giáy là báo hiệu mở đầu cho một chu kỳ sản xuất, một mùa vụ mới. Đây còn là dịp cúng thần cai quản địa bàn (Thổ địa) để cầu cho ngô, lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh.
Ngoài các mâm cúng, khâu chuẩn bị cho Lễ hội còn bao gồm các nghi thức làm quả còn, chặt cây nêu. Trước giờ dựng cột nêu, chủ lễ buộc vòng nhật nguyệt (giấy dán màu đỏ và màu vàng hai bên tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời) vào ngọn cây, chờ giờ Thìn bắt đầu dựng.
Trong tiết mưa Xuân lất phất, đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương đã được chứng kiến phần Lễ long trọng với màn rước mâm lễ của 12 thôn, bản. Kết thúc màn rước, chủ lễ Vùi A Sảng - thầy cúng có uy tín, được dân làng trao trọng trách đọc các bài khấn và tạ ơn các vị thần bảo hộ cho dân làng, độ trì cho mưa thuận gió hòa, gia cầm sinh sôi, mùa màng tươi tốt, bản làng bình yên, no ấm... Sau nghi lễ linh thiêng, toàn bộ mâm cỗ được đem ra mời nhân dân toàn xã và khách quý có mặt cùng thưởng thức.
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt vịt đồng… Phần ném còn với mục tiêu tung quả còn xuyên thủng vòng nhật nguyệt thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Chỉ sau ít phút, vòng tròn đã được ném trúng báo hiệu một năm mới mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa.
Nét đặc sắc của Hội xuống đồng ở Quang Kim là phần thi cày ruộng giỏi và gieo hạt đầu Xuân. Đây là cuộc thi đầy cạnh tranh giữa các tay cày thiện nghệ nhất được tuyển chọn từ các thôn để so tài trong ngày hội. Sau tiếng trống lệnh của trọng tài, các thợ cày điều khiển trâu vừa cày thẳng, đẹp vừa lao nhanh về đích, trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của người dân trong thôn, bản và du khách.
Theo sau luống cày, các phụ nữ Giáy duyên dáng trong trang phục truyền thống của dân tộc vung tay gieo hạt giống đầu Xuân, ước mong mùa màng bội thu, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, phát triển.
Lễ hội Roóng Poọc thuộc loại hình lễ hội cầu mùa, phản ánh một phần lịch sử sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước của người Giáy. Theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Kim Chu Văn Hội, Lễ hội ra đời và phát triển từ chính cuộc sống lao động, sản xuất của người Giáy ở Quang Kim hàng trăm năm nay, nên mang tính lịch sử và nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đây là hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính chất tâm linh, kết hợp với các trò dân gian gắn liền với đời sống tinh thần người Giáy. Việc tổ chức Lễ hội Roóng Poọc chính là biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống hiệu quả gắn với phát triển du lịch, được cộng đồng các dân tộc đồng thuận và hưởng ứng./.
- Từ khóa:
- Lào Cai
- người Giáy
- hội xuống đồng