Môi trường

Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái ở vùng cao Tam Đường

Lai Châu

Huyện Tam Đường hiện đang quản lý, bảo vệ 34.509 ha rừng, trong đó có 32.428 ha rừng tự nhiên; 2.081 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,8%.

Tam Đường là huyện có điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng. Những năm qua huyện triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng.

Cán bộ xã Bản Bo và lực lượng Kiểm lâm huyện Tam Đường tuần tra rừng
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Huyện Tam Đường hiện đang quản lý, bảo vệ 34.509 ha rừng, trong đó có 32.428 ha rừng tự nhiên; 2.081 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,8%. Huyện có điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng.

Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch nói chung và đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng gắn với thực thiện tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, phát triển du lịch sinh thái. Làm tốt công tác thu hút, đồng hành cùng các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, đề xuất ý tưởng để xây dựng đề án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng theo quy định.

Tuần tra rừng tại Bản Bo
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Sùng Lử Páo cho biết, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã xây dựng các kế hoạch, thành lập các tổ công tác, chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai nhiệm vụ. Theo đó, huyện tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của Trung ương, của tỉnh tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp như: tuyên truyền miệng, qua Internet và mạng xã hội (facebook, zalo...), hệ thống truyền thanh...

Huyện chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đề cao vai trò giám sát và tham gia tích cực của người dân, người có uy tín, trưởng bản trong bảo vệ rừng; chú trọng phối hợp giữa chính quyền địa phương, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và cộng đồng dân cư để ngăn chặn các hành vi, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp”.

Nhờ việc giữ rừng tốt huyện Tam Đường đã thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, leo núi tại các đỉnh Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; thực hiện trồng mới trên 286 ha rừng bằng các loài cây chủ yếu như quế, thông, dổi.

Để những lợi ích kinh tế từ rừng hiệu quả, huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021- 2030. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút các nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển rừng bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho việc khai thác, phát triển du lịch bền vững dưới tán rừng; dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các địa bàn trọng điểm, động lực về du lịch như: Đỉnh Pu Ta Leng, Đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Chu Va 12, ...

Anh Phàn A Hoan (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) chia sẻ, anh thường xuyên hướng dẫn các du khách leo núi, trong mỗi đợt như vậy anh luôn nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, hướng dẫn du khách không vứt rác bừa bãi khi vào rừng, không chặt phá cây rừng, mỗi khi dùng lửa trong rừng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền cho du khách, tham gia tuần tra, kiểm soát và báo cáo các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Cán bộ xã Sơn Bình và lực lượng Kiểm lâm huyện Tam Đường tuần tra kiểm tra rừng trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ
Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 23 doanh nghiệp khảo sát, đưa ý tưởng phát triển du lịch; đã hình thành hai khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng: Cầu Kính Rồng Mây, Khu du lịch Pusamcap đỉnh đèo Ô Quý Hồ; thu hút 3 doanh nghiệp khảo sát, lập dự án đầu tư gắn phát triển rừng bền vững với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Vườn Địa Đàng xã Sơn Bình; dự án du lịch thác trắng đèo Hoàng Liên Sơn; dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên.

Ngoài ra, huyện tổ chức các đoàn FamTrip khảo sát, trải nghiệm sản phẩm du lịch và chương trình tọa đàm liên kết sản phẩm du lịch, có 22 công ty, lữ hành du lịch trong nước tham gia; ký 3 bản ghi nhớ hợp tác giữa huyện với đại diện công ty du lịch, lữ hành; quản lý, khai thác hiệu quả loại hình du lịch khám phá tại các đỉnh: Putaleng, Tả Liên Sơn; tổ chức tập huấn về phát triển loại hình du lịch khám phá cho 103 porter là người dân địa phương; tăng cường quản lý, khai thác loại hình du lịch thể thao mạo hiểm dù lượn...

Với các giải pháp phát triển du lịch sinh thái đúng hướng, năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến huyện Tam Đường đạt 380.000 lượt, doanh thu đạt 140,64 tỷ đồng. Song song với đó, từ công tác bảo vệ rừng, năm 2023, huyện nhận được 38,9 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng; trong đó chủ rừng là doanh nghiệp 30 triệu đồng, chủ rừng là Ban Quản lý rừng Phòng hộ 22 tỷ 694 triệu đồng, chủ rừng là cộng đồng dân cư 961 triệu đồng, UBND các xã, thị trấn 15 tỷ 220 triệu đồng.

Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp các chủ rừng đảm bảo các hoạt động tuần tra, canh gác, mua dụng cụ, thường trực, ứng cứu, phát đường băng… nhất là giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch PU Lai Châu chia sẻ, Tam Đường đang là địa điểm được đơn vị liên kết, tổ chức các chương trình, tour, sự kiện leo núi đến các điểm du lịch trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên như đỉnh Tả Liên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng. Việc huyện chú trọng công tác bảo vệ rừng đã góp phần giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ thu hút khách du lịch đến với nơi đây.

Việc bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch dưới tán rừng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước mà cần gắn với phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương. Từ đó, đưa huyện Tam Đường là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn trong phát triển du lịch của tỉnh Lai Châu./.

Việt Dũng

Tin liên quan

Xem thêm