Môi trường

Hợp tác liên ngành trong phòng, chống mua bán và săn bắt động vật hoang dã

Bình Phước

Công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã đang được tỉnh Bình Phước triển khai quyết liệt, ngày càng hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo khởi động chương trình “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”. 
Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Ngày 30/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam, Chi cục Kiểm lâm vùng III, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức Hội thảo “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia để nói không với các sản phẩm về động vật hoang dã. Theo đó, mọi người không sử dụng, lên tiếng phản đối những hành vi trái phép sử dụng động vật hoang, tẩy chay các nhà hàng, những đối tượng buôn bán động vật hoang; khi phát hiện các hành vi vi phạm cần thông báo ngày cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, tích cực đóng góp ý kiến vào chủ đề tăng cường hợp tác liên ngành trong phòng, chống tội phạm mua bán và săn bắt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Hội thảo nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép. 
Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập Lê Công Sự chia sẻ một số giải pháp của đơn vị trong công tác bảo vệ rừng theo phương châm “Bảo vệ rừng tận gốc”, tức là xác định được những khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao và tiến hành đóng chốt để tuần tra, bảo vệ tại các khu vực đó. Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn và đơn vị giáp ranh cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện, thông tin, trao đổi, hỗ trợ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, đơn vị còn ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Theo ông Dương Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng III, để bảo vệ động vật hoang dã, các đơn vị cần dựa vào các trưởng bản, già làng để tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt trẻ em nhận thức đúng về bảo vệ động vật hoang dã. Các đơn vị cần tuyên truyền thường xuyên cho nhân dân gần rừng, lan tỏa được thông điệp của hội thảo là “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã đang được tỉnh triển khai quyết liệt, ngày càng hiệu quả. Mỗi năm, tỉnh tổ chức tiếp nhận cứu hộ động vật hoang dã do người dân chủ động giao nộp và thả về môi trường tự nhiên trung bình từ 80 - 100 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Để công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã thực sự hiệu quả, các ban, ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại hội thảo; thảo luận giải pháp tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép...

Các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã; có kế hoạch giám sát, bảo tồn, nhất là các loài quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng. Các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, chủ rừng cần phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm quy định của pháp luật về động vật hoang dã và các hành vi chống người thi hành công vụ.

Bình Phước có diện tích rừng tự nhiên hơn 55.977 ha với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao. Trong đó, nhiều loài động thực, vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Bù Gia Mập.../.

K Gửi H

Xem thêm