Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Kéo dài thời gian cấp thị thực điện tử, gỡ “nút thắt” cho ngành Du lịch
Bên cạnh việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử, các đại biểu mong muốn, cần có sự rà soát để tăng số lượng quốc gia có công dân được miễn thị thực vào Việt Nam.
TTXVN - Chia sẻ quan điểm về phát triển du lịch, bên lề Quốc hội ngày 9/6, nhiều đại biểu cho rằng, cần kéo dài thời gian cấp thị thực điện tử cho khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc “nghẽn” khi phát triển du lịch ở Việt Nam, các đại biểu cho rằng, một yếu tố rất quan trọng trong việc chưa đón được nhiều khách du lịch quốc tế là vì thời hạn sử dụng thị thực quá ngắn, chưa phù hợp với đối tượng khách ở các nước khi đến với Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Việt Nam đang hướng tới những sản phẩm du lịch dài ngày, việc kéo dài thời gian cấp thị thực là cần thiết. Đại biểu lấy ví dụ, du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch văn hóa đều là những loại hình du lịch cần phải có thời gian dài để du khách có thể thưởng thức được hết các đặc trưng du lịch và văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, đối tượng là các chuyên gia muốn sang Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu rất khó khăn khi thời hạn thị thực điện tử quá ngắn ngủi. “Như vậy, chúng ta không chỉ mất cơ hội đón khách du lịch, mà còn đánh mất cả cơ hội đầu tư”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đã "đi tắt đón đầu" khi là quốc gia đầu tiên trong khu vực mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, với mục tiêu khôi phục ngành Du lịch một cách mạnh mẽ. Nếu so sánh lợi thế về du lịch, Việt Nam không kém cạnh các quốc gia khác, tuy nhiên, do chính sách thị thực của chúng ta còn khá khép, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Đến cuối năm 2022, Việt Nam mới chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 70% kế hoạch.
“Rõ ràng, chúng ta mở cửa từ rất sớm và có lộ trình hợp lý nhưng không những không đạt được mục tiêu mà còn thấp hơn so với các nước khác trong khu vực dù đều mở cửa sau như: Thái Lan đón hơn 11 triệu khách, Singapore đón 6,3 triệu lượt và Indonesia là 5 triệu lượt. Các nước này có chính sách thị thực rất mở. Đây chính là lý do quan trọng để khách du lịch lựa chọn điểm đến" - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất Bộ Công an rà soát, vì số lượng quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam hiện nay còn khá bó hẹp so với nhiều nước trong khu vực. Chúng ta có thể nới lỏng thêm danh sách các quốc gia được miễn thị thực khi đến Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.
Đồng tình với nhận định này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong khi chúng ta đang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lượng khách du lịch giảm là điều cần phải tính toán lại. Chính vì vậy, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là phù hợp với thực tiễn hiện nay để người nước ngoài đến Việt Nam thuận lợi hơn, dễ dàng hơn và cũng tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài.
“Thị thực điện tử được cấp thí điểm từ năm 2017 dưới hình thức trực tuyến cho người nước ngoài chỉ có giá trị 1 lần và thời hạn không quá 30 ngày. Đây cũng chính là một trong những điểm nghẽn khiến ngành Du lịch của nước ta chưa phục hồi được như kỳ vọng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo đó, đại biểu đề xuất thay đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên 3 tháng được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành. Đồng thời, đại biểu đề xuất kéo dài thời gian tạm trú với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Thời hạn visa du lịch vẫn giữ nguyên 3 tháng.
Đồng tình với các sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật liên quan thời hạn thị thực điện tử và lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều đại biểu khẳng định, đây là vấn đề hết sức cần thiết, cấp bách để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong tương lai. Bên cạnh việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử, các đại biểu mong muốn, cần có sự rà soát để tăng số lượng quốc gia có công dân được miễn thị thực vào Việt Nam, vì nếu chặt chẽ quá trong vấn đề này, “du lịch Việt Nam sẽ rất thiệt thòi trong thời gian tới"…/.