Môi trường

Bình Phước chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng

Bình Phước

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nắng nóng, khô hanh kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, luôn có nguy cơ cháy từ cấp IV - V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Bình Phước được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ với diện tích trong quy hoạch ba loại rừng hơn 171.000 ha, trong đó rừng đặc dụng trên 31.179 ha, rừng phòng hộ 43.548 ha và rừng sản xuất 96.799 ha.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nắng nóng, khô hanh kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, luôn có nguy cơ cháy từ cấp IV - V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do đó, lực lượng chức năng, người dân và cộng đồng nhận khoán đã và đang huy động tối đa nhân lực, vật lực túc trực 24/24 giờ căng mình chống “giặc lửa”, đảm bảo không để cháy rừng cũng như thiệt hại về tài nguyên rừng.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập bảo vệ hơn 25.500 ha rừng, trong đó có diện tích lớn lồ ô thuần loài và lồ ô xen gỗ nên rất dễ xảy ra cháy. Để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng, Ban quản lý vườn thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ, 4 sẵn sàng”; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng tới tất cả cán bộ, nhân viên, cũng như từng đơn vị trực thuộc để chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập, ngoài việc chủ động cải tạo các hồ chứa nước, xử lý thực bì, Ban quản lý vườn phối hợp bố trí các tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng cùng các trạm kiểm lâm tăng cường tuần tra, canh gác tại các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao, khu vực dọc Quốc lộ 14C, đường tuần tra biên giới; cắt cử nhân lực thường xuyên trực gác tại chòi canh lửa; phát dọn hàng chục km đường băng cản lửa theo ranh của vườn…

“Điểm mới trong công tác phòng, chống cháy rừng hiện nay là ngoài sử dụng 2 flycam để tuần tra lửa rừng, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn áp dụng công nghệ của Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm dự báo cấp cháy rừng thông qua Zalo, email. Đơn vị đang kiến nghị mùa khô năm tới sẽ xây dựng hệ thống phòng, chống cháy rừng hiện đại hơn bằng camera cảm ứng nhiệt và có phòng lab để theo dõi khả năng cháy rừng. Diện tích dự kiến sẽ chỉ áp dụng khoảng từ 3.000 - 5.000 ha - vùng nhạy cảm nguy cơ cháy rừng cao và nếu thấy hiệu quả thì mới nhân rộng”, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết.

Tại huyện Bù Đăng, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch 3 loại rừng hơn 59.000 ha, trong đó đất có rừng hơn 53.000 ha. Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống cháy rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng đã thành lập 10 đội phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 8 chốt bảo vệ rừng và 2 đội phòng cháy, chữa cháy rừng.

Những khu vực giáp ranh có nguy cơ cháy cao, lực lượng chức năng dùng máy móc tạo nên khoảng cách an toàn. Khu vực nhiều lá khô đều được cộng đồng quét dọn sạch sẽ, tạo băng cản lửa. Các dụng cụ khác như vỉ dập lửa, bình CO2 đều được chuẩn bị, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.

Để đảm bảo công tác phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, các đơn vị cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ người vào rừng; nâng cao cấp độ, chủ động hơn nữa các phương án phòng, chống cháy rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân trong việc nâng cao nhận thức về giá trị của rừng, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Bình Phước còn duy trì thường xuyên hoạt động lực lượng chức năng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách.

Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp kiểm tra, điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và xử lý trách nhiệm về quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phù hợp để trồng, phục hồi lại diện tích rừng bị cháy./.

Nguyễn Như Bình

Tin liên quan

Xem thêm