Xã hội

Bình Phước: Làm rõ diện tích đất bàu tích nước ở Đồng Phú “biến mất” trên bản đồ địa chính

Bình Phước

Người dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước cho biết, các bàu này trước đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt, tạo môi trường vui chơi, giải trí cho người dân nhiều năm nay; tuy nhiên, đến nay, diện tích đất bàu này đã "biến mất" trên bản đồ.


Khu vực Bàu Khóc có tên trên bản đồ đất công năm 1998 nhưng nay đã trở thành vườn cao su, ao cá của một số cá nhân. 
Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Người dân thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phản ánh, nhiều năm nay, 3 bàu tích nước với diện tích rộng hàng chục héc ta ở ấp Dên Dên bỗng dưng bị “biến mất” trên bản đồ một cách khó hiểu, thay vào đó là vườn cây, ao cá của nhiều cá nhân khác nhau.

Theo người dân, nhiều năm trước, ở ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú có 3 bàu nước khá lớn (mỗi bàu có diện tích khoảng 20 héc ta), gồm: Bàu Dên Dên, bàu Khóc, và bàu Kẻng. Người dân địa phương cho biết, các bàu này trước đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt, tạo môi trường vui chơi, giải trí cho người dân nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay, diện tích đất bàu này đã "biến mất"  trên bản đồ.

Ghi nhận sự việc, nhóm phóng viên nhiều lần đi theo người dân địa phương đến khu vực bàu Dên Dên, ở Đội 4, ấp Dên Dên. Nói là bàu nhưng nơi đây không còn là bàu nữa, mà được thay thế bằng một vườn cao su rộng lớn tới hàng chục héc ta.

Khu vực Bàu Dên Dên có tên trên bản đồ đất công năm 1998 nhưng nay đã trở thành vườn cao su của một số cá nhân. 
Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Ông Nguyễn Văn T., một người dân sống lâu năm ở ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú cho biết, bàu Dên Dên trước là đất của Nhà nước chứ không phải của cá nhân. Tuy nhiên, không hiểu chính quyền quản lý thế nào mà sau đó nhiều cá nhân lấn chiếm mỗi người một vài héc ta, sau đó dồn lại bán cho bà H, vợ một doanh nghiệp cầu đường có tiếng ở Đồng Phú.

“Ở bàu này chỉ còn mỗi một rạch suối nhỏ không lấn được nữa, người ta chừa lại để nước thoát ra suối Ba. Tình trạng lấn chiếm kéo dài rất lâu, lấn liên tục hàng chục năm nay, đến nay đã gần như bị lấn hết hoàn toàn”, ông T., cho biết.

“Bàu này nước to đẹp lắm, bây giờ người ta lấn, đổ đất hết ra rồi đem trồng cây, hồi trước nguyên cái bàu Dên Dên phải tầm 40 héc ta”, theo lời ông T.

Tương tự, theo người dân địa phương, bàu Khóc và bàu Kẻng cũng có diện tích và "số phận" tương đương bàu Dên Dên, cùng bị lấn chiếm một thời điểm.

Theo quan sát của phóng viên, hiện tại, toàn bộ các khu vực bàu Khóc và bàu Kẻng đều được thay thế bằng các vườn cây trồng cao su và ao nuôi cá của một số hộ dân.

Khu vực Bàu Khóc có tên trên bản đồ đất công năm 1998 nhưng nay đã trở thành vườn cao su, ao cá của một số cá nhân. 
Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Theo tìm hiểu, năm 1998, trong bản đồ địa chính huyện Đồng Phú đều thể hiện rõ toàn bộ phần diện tích 3 bàu gồm (bàu Dên Dên, bàu Khóc, bàu Kẻng) có tổng diện tích hơn 53,4 héc ta. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2009, toàn bộ diện tích của cả 3 bàu trên bỗng dưng biến mất hoàn toàn trên bản đồ địa chính.

Để tìm hiểu rõ vấn đề, phóng viên đã liên hệ chính quyền huyện Đồng Phú. Theo báo cáo của UBND thị trấn Tân Phú, qua kiểm tra, rà soát bản đồ địa chính năm 1998 đã được Sở Địa chính phê duyệt ngày 18/12/1998 thì ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú có diện tích khoảng 300 héc ta, trong đó diện tích đất bàu Dên Dên, bàu Khóc, bàu Kẻng khoảng 52,46 héc ta.

Lãnh đạo thị trấn Tân Phú cho biết, theo ý kiến của Trưởng ấp Dên Dên và các hộ dân sinh sống lâu năm có liên quan: Phần diện tích thể hiện đất bàu trên bản đồ địa chính đo vẽ năm 1998 là của các hộ dân đang sử dụng, có nguồn gốc khai phá từ năm 1990. Trước đây, khu đất này có địa thế thấp trũng ngập nước vào mùa mưa; mùa khô, người dân trồng lúa, rau và hoa màu, có một số hộ đắp bờ đào ao nuôi cá. Thời điểm đo đạc chính quy năm 1998, khu vực này bị ngập úng nên chỉ đo phần diện tích không bị ngập nước; do đó, phần diện tích bị ngập nước đã thể hiện trên bản đồ là đất bàu.

Khu vực Bàu Dên Dên có tên trên bản đồ đất công năm 1998 nhưng nay đã trở thành vườn cao su của một số cá nhân. 
Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

“Sau này có một số hộ dân cải tạo trồng cao su, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ những năm 2000 và sử dụng ổn định, không tranh chấp từ đó đến nay. Do đó, không có việc người dân lấn, chiếm diện tích đất bàu. Còn việc cung cấp nước sinh hoạt và khu vui chơi, giải trí cho người dân địa phương chủ yếu từ hồ Suối Giai, hồ bàu Cọp”, lãnh đạo thị trấn Tân Phú cho biết.

Cũng theo thị trấn Tân Phú, bản đồ đo vẽ năm 2009, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước ký duyệt ngày 30/12/2015 không thể hiện đất bàu mà do các hộ dân kê khai đăng ký trong Sổ mục kê. Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, huyện Đồng Phú được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2267/QĐ-UBND ngày 8/12/2022, bản đồ Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Đồng Phú được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1630/QĐ-UBND ngày 29/10/2024 thì diện tích đất nêu trên thuộc quy hoạch đất trồng cây lâu năm là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.

Khu vực Đồng Phú

Lãnh đạo thị trấn Tân Phú cho rằng, theo các báo cáo rà soát diện tích đất công trên địa bàn thị trấn Tân Phú trước đây thì không có phần diện tích đất bàu như phản ánh. Câu trả lời này đi ngược lại với Bản đồ địa chính năm 1998 đã được Sở Địa chính phê duyệt ngày 18/12/1998 ghi rõ 9 thửa đất thuộc 3 bàu: Bàu Dên Dên, bàu Khóc và bàu Kẻng với tổng diện tích hơn 53,4 héc ta thể hiện là đất Hg/b (đất bằng chưa sử dụng) thuộc quản lý của UBND huyện Đồng Phú.

Chính vì vậy, phản ánh của người dân địa phương là có cơ sở. Dư luận địa phương có quyền đặt câu hỏi về việc, làm cách nào một diện tích đất bàu rộng lớn lại bỗng dưng “biến mất” trên bản đồ? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để thất thoát đất công trên địa bàn quản lý?

Đậu Tất Thành

Xem thêm