Bộ kim phẩm Đền Nghè được công nhận bảo vật quốc gia nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu.
Bộ kim phẩm Đền Nghè có niên đại Đầu thế kỷ XX, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng là một trong 33 các hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 "Về việc công nhận bảo vật quốc gia (Đợt 13)".
Bộ kim phẩm Đền Nghè được công nhận bảo vật quốc gia nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp cho hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản thời gian tới.
Bộ kim phẩm đền Nghè có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, gồm 16 nhóm hiện vật (1 lá trầu; 1 chùm cau; 4 thẻ bài; 1 lá vàng; 1 quạt; 3 đôi bông tai; 2 hộp sáp môi; 1 đôi vòng; 1 bộ cúc; 1 chuỗi hạt (999 hạt). Hiện vật đều được chế tạo từ kim loại vàng (Au), được chọn lọc có tỷ lệ thành phần vàng từ 92 đến 98%, thể hiện trình độ kỹ thuật chế tác, tư duy thẩm mỹ, nghệ thuật trang trí và ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh sâu sắc. Những hiện vật được cộng đồng dân cư địa phương thành tâm, cung tiến dâng lên Thánh mẫu Lê Chân tại đền Nghè.
Theo đó, lá trầu, quả cau là hai vật phẩm không thể thiếu trong các đồ tế lễ, thờ cúng thần thánh tổ tiên. Quan niệm: “hương, hoa, phù, tửu, bạc lễ chi nghi” (hương, hoa, trầu, rượu, lạc lễ là nghi thức). Bởi vậy, trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt, việc dâng trầu cau là nghi thức quan trọng, gắn liền với sự thành kính, ngưỡng vọng của người dân với các bậc thánh, thần. Trong Bộ kim phẩm đền Nghè có hiện vật lá trầu, quả cau được chế tác theo kiểu dáng, phong cách tả thực, mang đậm giá trị triết lý, nhân văn sâu sắc. Các hiện vật khác như: thẻ bài, bông tai, vòng, hộp sáp môi, chuỗi hạt… mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh sâu sắc.
Dựa vào một số văn bản, giấy tờ xác minh Bộ kim phẩm Đền Nghè là nhóm hiện vật gốc, độc bản, không sao chép, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.
Bộ kim phẩm Đền Nghè khẳng định tính độc bản, có giá trị lịch sử - văn hóa sâu sắc, là vật phẩm, tế khí của cộng đồng dân cư bản địa cung tiến, dâng lên Thánh mẫu Lê Chân vào đầu thế kỷ XX. Những hiện vật này khẳng định công lao, ân đức của bậc Thánh mẫu đối với nhân dân, đất nước; được tôn thờ và sùng bái, qua thời gian trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc của người dân thành phố Hải Phòng.
Nữ tướng Lê Chân là một nhân vật lịch sử, một võ tướng giữ chức “Chưởng quản binh quyền” dưới thời Hai Bà Trưng. Bà chiến đấu anh dũng, chống quân Đông Hán xâm lược, lập nhiều công lao, giúp Hai Bà xưng Vương, lập nước, mở nền độc lập cho dân tộc Việt Nam những năm đầu công nguyên.
Nữ tướng Lê Chân còn là người khai phá vùng đất ven biển từ vùng bãi bồi sình lầy hoang vu thành làng mạc trù phú, đặt nền móng cho việc hình thành thành phố Hải Phòng ngày nay, một trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học phát triển, độ thị loại I cấp quốc gia, có vị trí chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc phòng và là đầu tàu đưa đất nước hướng ra biển lớn.
Công trình kiến trúc Đền Nghè, nơi Bộ kim phẩm được cung tiến vào, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1975. Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, trong tâm thức người dân Hải Phòng, tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Lê Chân mang giá trị truyền thống xuyên suốt hàng ngàn năm, thắm đượm tinh thần dân tộc, lắng đọng trên những công trình kiến trúc, đồ thờ tự, nét hoa văn chạm trổ trang trí chi tiết, tinh xảo, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Nữ tướng. Bộ kim phẩm được cung tiến vào đền Nghè là đại diện tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa của người Việt, là sự tôn vinh truyền thống yêu nước nồng nàn thông qua một hình tượng nhân vật lịch sử - Nữ tướng Lê Chân./.