Thời sự

Bộ Tư pháp lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Chiều 14/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo các chuyên gia, các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện 63 Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên cả nước.

Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở phạm vi, quy mô nào cũng là một công việc rất hệ trọng, rất thiêng liêng. Do vậy, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, chủ trương của chúng ta chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nhằm phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy và Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân như các cơ quan khác trong thời gian 1 tháng, đồng thời có nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến góp ý trình Chính phủ trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu. 
Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng. Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Theo Văn bản số 3883/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Tư pháp tổng hợp các báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn toàn tán thành chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại hệ thống tổ chức và bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tán thành với cách làm nghiêm túc, thận trọng, công phu của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tán thành với các nội dung được trình bày trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Góp ý tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, về việc sửa đổi Điều 9, Điều 10 Hiến pháp 2013, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý phân tích, quy định của dự thảo Nghị quyết nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức hệ thống chính trị, khắc phục sự trùng lặp về tổ chức, chức năng và hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó nâng cao tính thiết chế và hiệu lực hiến định của Hiến pháp. Đồng thời, thể hiện đúng vai trò trung tâm liên minh chính trị - xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị, phù hợp với chủ trương đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương.

Tại Hội nghị, các ý kiến đã góp ý đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố, tập trung vào các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính, chính quyền địa phương. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013./.

Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm