Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Tạo không gian phát triển mới, đưa hệ thống chính trị đến gần dân hơn
Việc đề xuất thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp xuống còn hai cấp là một đột phá quan trọng, mang tính cách mạng, phù hợp với bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0 hiện nay.
Thành phố Đà Nẵng đang tích cực triển khai tuyên truyền, thực hiện lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tất cả những nội dung sửa đổi nêu trong Dự thảo Nghị quyết như: Chuyển các tổ chức chính trị - xã hội từ tổ chức thành viên thành tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đều nhằm tạo không gian phát triển mới và giúp đưa hệ thống chính trị đến sát cơ sở hơn, gần dân hơn.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021, Dự thảo Nghị quyết đã khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là trung tâm trong hệ thống chính trị, là tổ chức để mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Dự thảo Nghị quyết cũng giao trọng trách cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đề xuất và trình các dự án Luật, đảm bảo tính dân chủ, đại diện cho các tầng lớp nhân dân thực hiện quyền đề xuất và trình các dự án Luật, đây là điểm mới, là một bước mở rộng dân chủ trong cơ cấu chính trị của Nhà nước.
Ông Nguyễn Bá Sơn cũng lưu ý, khi quy định các tổ chức chính trị, xã hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cần nghiên cứu cơ cấu tổ chức, vận hành bộ máy để đảm bảo không làm hạn chế tính độc lập, sáng tạo tương đối của các tổ chức đó. Cụ thể, các tổ chức vẫn có thể sáng tạo trong các hoạt động, chương trình thi đua yêu nước; từ đó đúc kết các vấn đề, đề xuất cơ chế, chính sách với cấp trên thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc đề xuất thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp xuống còn hai cấp là một đột phá quan trọng, sự thay đổi mang tính cách mạng, phù hợp với bối cảnh kỷ nguyên công nghệ 4.0 hiện nay. Việc quy định không còn cấp quận, huyện sẽ giúp bỏ qua cấp trung gian. Theo đó, chỉ còn cấp tỉnh, thành giao nhiệm vụ và cấp xã, phường tổ chức thực hiện. Điều này giúp đảm bảo phục vụ người dân trực tiếp, nhanh chóng, có hiệu quả; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho người dân.
Sau khi Dự thảo Nghị quyết được thông qua, ông Nguyễn Bá Sơn đề xuất Trung ương cần sớm ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện rõ ràng về tổ chức chính quyền địa phương, chuẩn bị những nguồn lực để thực hiện như: Nguồn lực về thể chế, cần có hướng dẫn để áp dụng trong các trường hợp cụ thể ở từng địa phương sao cho sát với thực tiễn; nguồn lực về con người, việc sử dụng cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới; cuối cùng phải bố trí được kinh phí để đảm bảo việc triển khai các nhiệm vụ mới… Hiến pháp là khung pháp lý cao nhất để hoạch định, định hướng lâu dài, đi theo đó là một hệ thống pháp luật, với nhiều vấn đề đặt ra bên trong. Để đảm bảo hoạt động thông suốt phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để thực hiện các nội dung của Hiến pháp.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng góp ý: Hiện có một số thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường). Vì vậy, tại Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết cũng nên bổ sung một khoản về việc dừng thực hiện mô hình chính quyền đô thị, cho phù hợp với một nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 111: “Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định”.
Bên cạnh đó, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 chỉ mới bao gồm việc chuyển Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ tổ chức thành viên thành tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Dự thảo Nghị quyết chưa đề cập các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vẫn đang là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị… Vì vậy, ông Bùi Văn Tiếng góp ý, Dự thảo Nghị quyết nên thêm một số tổ chức thành viên khác.
Còn ở khoản 4, Điều 1 chỉ nói chung là “các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, nhưng ở khoản 3 Điều 2 thì lại gọi cụ thể là “đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp”, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, nên thống nhất một cách gọi, có thể gọi là “đơn vị hành chính cấp xã”, nhằm thể hiện rõ ý không còn cấp huyện.../.