Giáo dục

Bốc thăm môn thi thứ 3 Kỳ thi vào lớp 10: Cần có lộ trình phù hợp

Nghệ An

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bốc thăm môn thi thứ 3 sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ và có sự thống nhất giữa các địa phương.

Dự kiến, Kỳ thi lớp 10 năm 2025 ngoài 2 môn Toán, Ngữ văn, môn thi thứ 3 sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên và công bố ngày 31/3, nhiều trường học ở Nghệ An đã bắt đầu lên kế hoạch dạy học và ôn thi, sẵn sàng với mọi "kịch bản".

* Điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, học tập

Giờ học môn Khoa học tự nhiên. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Thời điểm này, nhiều học sinh tại Nghệ An tập trung ôn tập môn Toán và Ngữ văn trong lúc đợi thông tin về môn thi thứ 3. Từ mùa hè năm lớp 8, em Phan Linh Nhi (lớp 9, Trường Trung học cơ sở Quang Trung) dành 6 buổi trong tuần để học thêm Toán, Văn và Tiếng Anh. “Đây là năm đầu tiên chúng em thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố Vinh có tính cạnh tranh cao. Do đó, chúng em rất lo lắng. Ngày từ đầu năm học, em phải học đều các môn, tránh trường hợp khi thông báo môn thứ 3 lại ôn không kịp”, Linh Nhi chia sẻ.

Với việc bốc thăm môn thứ 3 trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, khối lượng kiến thức các em học sinh phải thi khá nặng. Lường trước điều này, nhiều em không còn chủ quan đối với các "môn phụ". Theo Lê Tuấn Dũng (học sinh lớp 9C Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ): Trước giờ, em vẫn nghĩ các môn Lịch sử, Địa lý là môn học thuộc, đợi gần thi học cũng không muộn. Tuy nhiên giờ em rất chú tâm nghe giảng và ghi chú bài học để có kiến thức nền. Nếu thi trúng tổ hợp này em cũng không quá vất vả ôn tập. Em thường chủ động tìm các bài giảng lịch sử trên YouTube, TikTok vào cuối tuần để nhớ các mốc thời gian và sự kiện lịch sử, thuận tiện cho việc ôn tập sau này.

Tự đánh giá bản thân còn yếu ở tổ hợp Khoa học tự nhiên, em Phan Phương Mai (học sinh Trường Trung học cơ sở Hồ Xuân Hương, huyện Quỳnh Lưu) chia sẻ, em phải "chạy marathon" nếu môn thi thứ 3 trúng tổ hợp này. Hiện tại, em vẫn tự học bằng cách làm bài tập và xem các bài giảng trên mạng. Nếu môn thi thứ 3 là Khoa học tự nhiên, em sẽ đăng ký ngay các lớp học thêm để bổ sung kịp thời phần kiến thức bị hổng và ôn luyện thêm các dạng bài nâng cao, Phương Mai tâm sự.

Các trường trung học cơ sở tại Nghệ An cho biết, việc dạy và học vẫn như trước đây trong lúc chờ hướng dẫn về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Thầy Nguyễn Hoàng Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quán Bàu cho biết, dù bốc thăm hay ổn định môn thứ 3 như mọi năm thì tất cả môn học vẫn phải dạy và học bình thường. Nếu Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dành cho lứa học sinh lớp 9 năm nay ổn định phương thức với 3 môn thi như mọi năm là Toán, Văn và Tiếng Anh thì học sinh sẽ chủ động hơn. Hiện, giáo viên cũng như học sinh đang dạy và học đều các môn để đảm bảo việc xét tốt nghiệp trung học cơ sở, thầy Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.

Các giáo viên bộ môn cũng điều chỉnh kế hoạch giảng dạy. Tuy môn Toán vẫn trong quy định thi nhưng thầy Nguyễn Đình Thắng, Trường Trung học cơ sở Đặng Thai Mai đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để phù hợp với tình hình. Cụ thể, trong lớp ôn tập và luyện thi, thầy "tăng tốc" đến các phần kiến thức của học kỳ 2 và bắt đầu luyện các dạng toán thực tế. "Việc luyện đề sớm giúp các em làm quen với dạng bài và có thêm thời gian ôn môn thi thứ 3", thầy Nguyễn Đình Thắng phân tích.

* Cần lộ trình phù hợp

Giờ học môn Khoa học tự nhiên. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Liên quan đến việc lấy ý kiến dự thảo, theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bốc thăm môn thi thứ 3 sẽ tránh được tình trạng học lệch, học tủ và có sự thống nhất giữa các địa phương. Trước đó, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do các địa phương quy định cụ thể về phương thức, số môn thi. Vì thế có những địa phương thi 3 môn và cũng có những tỉnh, thành thi 4 môn. Tại Nghệ An 5 năm nay, tỉnh vẫn chọn môn thi thứ 3 là tiếng Anh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở vùng nông thôn, miền núi.

Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đặng Chánh Kỷ (huyện Nam Đàn) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lý do để đưa ra dự thảo bốc thăm môn thi thứ 3. Điều đó sẽ giúp học sinh học đều, không bỏ các môn học khác và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi cần có lộ trình để tránh gây hoang mang trong dư luận và học sinh.

Theo thầy Linh, với dự thảo hiện nay, nếu đi vào thực hiện cần quan tâm đến 3 vấn đề, đó là: Khi triển khai bốc thăm phải thực hiện khách quan và nên có sự tham gia của một số hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, đại diện cha mẹ học sinh. Nếu việc này thực hiện luôn năm nay sẽ không phù hợp bởi vì các em đã học được hơn 2 tháng. Nếu thay đổi, các em chưa chuẩn bị được tâm thế. Môn thứ 3 cần lựa chọn phù hợp. Nếu thi quá nhiều môn sẽ tăng khó khăn cho học sinh và không giảm được áp lực, giảm tải cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như mục tiêu dự thảo đã đề ra.

Không chỉ học sinh, thầy cô cũng căng thẳng khi phải đảm bảo kiến thức cho học sinh trong kỳ thi quan trọng. Nhiều giáo viên môn Khoa học tự nhiên chia sẻ, vốn chỉ chuyên 1 môn nay thầy cô phải bồi dưỡng cho học sinh ôn thi 3 môn. Dù thầy cô đã được học bồi dưỡng 2 môn còn lại nhưng việc giảng dạy trên lớp và ôn thi tuyển sinh là 2 vấn đề khác nhau. Thậm chí, nhiều học sinh yếu cần học phụ đạo, thầy cô phải dành thêm thời gian hỗ trợ. Điều này tạo nên áp lực rất lớn cho cả thầy cô và học sinh.

Cô giáo Võ Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ) cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng việc bốc thăm môn thi thứ 3 khi các em đã bước vào học kỳ 2 của năm học thì sẽ rất khó khăn và tạo áp lực cho học sinh. Thực tế, các em đã ôn thi lớp 10 từ dịp hè.

“Sự thay đổi nào cũng mang đến sự tiến bộ nhưng cần có thời gian, lộ trình để phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị. Nhiều năm nay, ngành Giáo dục Nghệ An đang áp dụng môn thi thứ 3 là môn tiếng Anh. Việc học tiếng Anh sẽ giúp các em phát triển, hội nhập hơn trong tương lai và giúp ích cho các học sinh trong học tập, công việc sau này" - cô Võ Thị Kim Oanh chia sẻ./.

Nguyễn Thị Bích Huệ

Xem thêm