Tình trạng thiếu giáo viên đã khiến các trường đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học và các hoạt động khác.
Giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, áp lực nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ cũng như cơ hội phát triển chưa đủ sức thu hút khiến việc tuyển dụng và giữ chân giáo viên dạy nghề đang là bài toán khó đối với các trường nghề ở Nghệ An hiện nay. Tình trạng thiếu giáo viên, không được tăng biên chế tại các cơ sở đào tạo nghề của Nghệ An đã khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học và các hoạt động khác.
*”Khát” giáo viên
Nhiều năm nay, Trường Cao đẳng Việt Đức trong tình trạng thiếu giáo viên nhưng chưa có giải pháp nào “bù đắp”. Thầy Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm, trường đào tạo cao đẳng nghề cho hơn 700 học sinh. Tuy nhiên, hiện nay giáo viên kỹ thuật của nhà trường đang thiếu trầm trọng.
Số giáo viên còn thiếu tập trung vào các nghề như điện công nghiệp, điện lạnh, điện tử, điện nước, công nghệ ô tô, công nghệ hàn, sửa chữa, lắp ráp ô tô… Đây cũng là các nghề hằng năm tuyển khá đông học sinh và có nhiều cơ hội việc làm sau khi các em tốt nghiệp.
Hiện, nhiều giáo viên của nhà trường là giáo viên dạy giỏi nhưng hơn 10 năm gắn bó với trường vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. Vì vậy, thu nhập, quyền lợi của họ đều thiệt thòi so với giáo viên biên chế. Dù có nhiều cơ hội đến với các doanh nghiệp có thu nhập cao hơn, nhưng do hoàn cảnh gia đình và tâm huyết với nghề nên nhiều giáo viên vẫn chọn ở lại. Tuy nhiên, một số giáo viên trẻ sau nhiều năm công tác cũng đã bị doanh nghiệp “thu hút”, một số giáo viên lại đi lao động ở nước ngoài.
“Nhiều năm nay chúng tôi phải hợp đồng nhiều giáo viên để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Các giáo viên phải dạy tăng ca, kể cả cán bộ quản lý cũng phải đứng lớp. Trường cũng đưa ra phương án tạo nguồn giáo viên trẻ từ việc bồi dưỡng, phát triển chính học sinh giỏi của nhà trường, nhưng không thể “giữ chân” các em. Làm giáo viên tại trường, mức lương theo hệ số chỉ 2 - 3 triệu/tháng, trong khi doanh nghiệp đến tận nơi tuyển dụng và sẵn sàng trả lương khởi điểm từ 9 - 10 triệu đồng đối với học sinh giỏi ”, thầy Tuấn chia sẻ.
Đối với những giáo viên dạy giỏi nhưng không được vào biên chế, Trường Cao đẳng Việt Đức có chính sách thu hút, "giữ chân" như hỗ trợ thêm 50% lương cho những giảng viên kỹ thuật; kết nối với một số doanh nghiệp để giáo viên được đóng bảo hiểm và làm thêm ngoài.
Tương tự, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra nhiều năm nay tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành với nhiều bộ môn khác nhau, gây khó khăn cho nhà trường trong hoạt động. Bà Vũ Thị Hồng Phúc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật Yên Thành cho biết: Trường có 1.000 học sinh nhưng hiện nay chỉ có 16 biên chế, trong đó có 13 giáo viên dạy nghề. Nếu tính theo quy định, trường đang thiếu 24 giáo viên nữa mới đảm bảo việc dạy và học.
Vì vậy, để có thể duy trì các lớp học, nhà trường đang thực hiện 2 giải pháp: Tăng tiết cho giáo viên của trường hoặc hợp đồng giáo viên bên ngoài. Tuy nhiên, các giải pháp này đều không ổn định lâu dài bởi hiện nay với mức chi trả 60.000 đồng/tiết, thấp hơn nhiều so với thu nhập ở ngoài nên hầu hết giáo viên dạy nghề đều không mặn mà. Chúng tôi mong muốn có một chính sách để thu hút giáo viên các trường nghề để các giáo viên yên tâm gắn bó lâu dài với nhà trường, bà Võ Thị Hồng Phúc nói thêm.
* Cần chính sách thu hút giáo viên
Thiếu giáo viên và không có biên chế để được tuyển dụng là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề của Nghệ An. Mới đây tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo, vấn đề này tiếp tục được nhiều trường kiến nghị.
Nói về điều này, ông Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: Nhiều năm nay các trường nghề hầu như không được bổ sung biên chế. Từ năm 2017 đến nay, trường đã có 10 giáo viên nghỉ hưu nhưng lại không được bổ sung biên chế. Việc hợp đồng giáo viên cũng rất khó khăn. Để đảm bảo số người làm việc, trường đề nghị tỉnh cho các trường hợp đồng (theo diện tỉnh công nhận) để được chuyển tiền qua kho bạc từ nguồn thu của trường.
Cùng chung ý kiến, ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh chia sẻ về việc trường đang vừa thiếu giáo viên, vừa không tuyển được giáo viên các môn nghệ thuật: Trường đang đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, văn nghệ cho tỉnh nên đội ngũ giáo viên có những đặc thù riêng. Tuy nhiên, hiện nay trong công tác cán bộ, trường đang có những khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, trường có 20 giáo viên về hưu nhưng lại không được bổ sung một biên chế nào, đội ngũ giáo viên toàn trường giảm từ 90 xuống chỉ còn 70 người. Bên cạnh đó, hiện có những môn học nhà trường không tuyển được giáo viên, nhất là những môn nghệ thuật.
Đưa ra một số dẫn chứng để nói về những bất cập trong việc thu hút giáo viên trường nghề ở nhà trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh cho biết, cách đây 5 năm, nhà trường đang có 2 biên chế để tuyển giáo viên các chuyên ngành như âm nhạc, múa nhưng không có hồ sơ ứng tuyển. Đây cũng là những ngành chưa có đào tạo bậc tiến sỹ nên để tuyển giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường rất khó khăn. Do có nhiều “lỗ hổng” trong đội ngũ nên hiện nay giáo viên ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật đang phải kiêm nhiệm và gánh một khối lượng công việc không nhỏ. Nhà trường đang phải tiếp tục hợp đồng giáo viên, thậm chí phải hợp đồng cả giáo viên từ Hà Tĩnh sang giảng dạy.
“Chúng tôi mong tỉnh có cơ chế để trường được tuyển dụng giáo viên chuyên ngành nghệ thuật, thu hút những giáo viên có trình độ cao. Ngoài ra, nhà trường mong muốn tỉnh ưu tiên, bổ sung biên chế để các trường nghề có điều kiện tuyển dụng giáo viên viên, nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, giúp giảm áp lực và phù hợp với thực tế quy mô đào tạo của các nhà trường”, ông Vũ Anh nói thêm.
Với những bất cập trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp thì việc quan tâm đến đội ngũ giáo viên ở các nhà trường là điều hết sức quan trọng. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi các trường nghề đang từng bước tái cơ cấu sau khi chuyển đổi cơ quan chủ quản từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang Sở Giáo dục và Đào tạo thì đây phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Nghệ An đang triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Vì thế, thời gian tới, tỉnh cần tập trung rà soát, đánh giá quy hoạch hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch ngành, nghề đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với quy hoạch của cả nước, của vùng và của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn quy định, đáp đứng yêu cầu đào tạo, nhất là kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo đào tạo các ngành, nghề trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh cần tiếp tục rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo đề án vị trí việc làm đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo...
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trường nghề, nhiều nhà quản lý kiến nghị, Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh cần cụ thể hóa chế độ đãi ngộ, tiền lương đối với nhà giáo dạy nghề; đồng thời, có thể vận dụng quy định với ngành nghề nặng nhọc, độc hại và cơ chế thu hút nguồn nhà giáo; cơ chế đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, kỹ năng nghề cho giảng viên giảng dạy nghề nghiệp.
Về phía các trường nghề, cần được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp cho giảng viên; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các thầy cô được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới nhất./.
- Từ khóa:
- Nghệ An
- đào tạo nghề
- thiếu giáo viên