Văn hóa

Cần hướng đi mới để tạo nguồn lực bền vững tu bổ di tích, di sản

Việc “cấp cứu” di tích cần nguồn lực “khủng”, trong khi ngân sách chỉ mới đáp ứng được một phần. Điều này cho thấy rất cần một hướng đi mới, hiệu quả để khơi thông điểm nghẽn này.

Điện Thái Hòa, Quần thể Di tích Cố đô Huế đang được trùng tu, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Ảnh: Đỗ Trưởng- TTXVN

Hàng năm, cả nước có rất nhiều di tích cần được tu bổ, tôn tạo, bởi đa số đều đã có tuổi đời hàng trăm năm. Rất nhiều công trình đã xuống cấp, thậm chí xuống cấp nghiệm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc “cấp cứu” di tích cần nguồn lực “khủng”, trong khi ngân sách chỉ mới đáp ứng được một phần. Rất cần một hướng đi mới, hiệu quả để khơi thông điểm nghẽn này...

*Cần nguồn lực lớn

Chùa Phổ Quang sau vụ cháy.
Ảnh: TTXVN phát

Những ngày cuối tháng 10, chùa Phổ Quang (chùa Xuân Lũng) có niên đại hơn 800 tuổi tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. Bảo vật quốc gia trong ngôi chùa là bàn thờ Phật bằng đá (bệ đá hoa sen) bị vỡ 2 góc cánh hoa sen tầng thứ 5 (tầng trên cùng) và 1 góc cánh hoa sen tầng thứ 4. Toàn bộ phần gỗ, mái ngói âm, hệ thống các pho tượng bằng đất và gỗ trong ngôi tam bảo bị nhiệt tác động hư hại. Cơ sở vật chất trong chùa thiệt hại hoàn toàn. Tổng giá trị vật chất thiệt hại sơ bộ khoảng 25 tỷ đồng.

Du khách tham quan lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ.
Ảnh: TTXVN phát

Hiện Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Phú Thọ đang nghiên cứu, đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo; cân đối nguồn lực, huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân. Nhưng sau vụ cháy, để sớm trùng tu, tôn tạo chùa Phổ Quang thì tỉnh này cần một nguồn lực rất lớn mới có thể thực hiện được trong bối cảnh ngân sách cho hoạt động này còn hạn chế. Được biết, năm 2016, chùa Phổ Quang đã được tu bổ, tôn tạo với kinh phí 24 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại từ nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động khác)…

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 41.000 di tích, trên 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Việc tu bổ, tôn tạo cần một số kinh phí rất lớn.

Nguồn: Infographics.vn/TTXVN

Ví dụ như, tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025, có 113 di tích cần tu bổ, tôn tạo. HĐND Thành phố đã phê duyệt và bố trí trên 1.300 cho các dự tu bổ, tôn tạo…

Còn tại Thừa Thiên - Huế, HĐND tỉnh đã thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích trong hệ thống di sản Huế, gồm: Quốc Tử Giám, Đàn Nam Giao (phần còn lại), Điện Cần Chánh, Lăng vua Thiệu Trị (giai đoạn 3), Lăng vua Tự Đức (phần còn lại) với tổng kinh phí khoảng 460 tỷ đồng…

*Cần một hướng đi mới 

Tại Kỳ hợp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đã đại biểu nêu ý kiến, bày tỏ sự quan tâm đến điều khoản liên quan đến việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Tháp Rùa - Một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, công trình kiến trúc cổ kính.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Nhiều đại biểu nêu rõ: Quỹ này ra đời chỉ dùng để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được. Đó là bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, mua và hoàn thiện các sưu tập di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị của Việt Nam cho các bảo tàng công lập…

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được Luật hóa sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp yếu tố đặc thù trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, giải quyết vấn đề khó khăn về bảo tồn di sản văn hóa hiện nay, nhất là khi ngày càng có nhiều di tích xuống cấp, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ…

Hiện ở Việt Nam đã có Quỹ Bảo tồn di sản Huế do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý. Quỹ huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ. Cho đến nay đã có 7,664 tỷ đồng được góp vào Quỹ này.

Du khách tham quan lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ.
Ảnh: Mai Trang- TTXVN

Tháng 6/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khánh thành dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Hoàng Thái hậu Từ Dụ (Xương Thọ lăng). Đây là công trình di tích đầu tiên được trùng tu từ nguồn đóng góp qua Quỹ. Dự án hoàn thành đã góp phần trả lại vẻ đẹp vốn có của công trình lăng mộ Hoàng Thái hậu Từ Dụ, bảo tồn không gian cảnh quan văn hóa khu vực lăng vua Thiệu Trị, xứng đáng là tài sản văn hóa quý báu của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Dự thảo Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với bản trình tại Kỳ họp thứ Bảy.

Di tích Quốc gia Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa là cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa. Đồng thời kế thừa, phát triển quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng 
Ảnh: Trần Huấn

Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; cập nhật, nội luật hóa các quy định của quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong tình hình mới. Dự thảo Luật bám sát 3 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực di sản văn hóa. Đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ, phát huy các giá trị, từng bước đưa di sản văn hóa trở thành nguồn lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…/.

Thanh Giang

Xem thêm