Văn hóa

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Tạo diện mạo mới cho các công trình

Hà Nội

Hai đại triển lãm được thực hiện trong sự vận động của những thực thể "sống", nơi không gian tự thân trở thành một chất liệu và cộng sự nghệ thuật, thay vì là một nơi trưng bày các tác phẩm bất kỳ.

Với hơn 100 hoạt động, sự kiện đa lĩnh vực, từ sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, hội chợ đến hoạt động vui chơi cộng đồng, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề "Giao lộ sáng tạo" sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11/2024

Sự kiện này hứa hẹn giới thiệu đến công chúng và du khách nhiều công trình đặc sắc nằm trên các giao lộ trung tâm, tôn vinh sự sáng tạo vượt thời gian và giá trị văn hóa trường tồn.

* Kích hoạt những di sản vô hình và hữu hình

Thời gian diễn ra Lễ hội, tại 5 điểm dừng trên các tuyến chính của Lễ hội là: Vườn hoa Lý Thái Tổ - Vườn hoa Diên Hồng (Con Cóc) - Vườn hoa Cổ Tân - Vườn hoa Nhà hát lớn - Vườn hoa Tao Đàn sẽ có các hub (trung tâm) thông tin với lực lượng tình nguyện viên thường trực hỗ trợ thông tin về lộ trình, các điểm đến và hoạt động trên toàn bộ tuyến Lễ hội.

Những nỗ lực của các ê-kíp sáng tạo tại các công trình di sản trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đã dần thành hình.

Theo đó, điểm khởi đầu của "Trục Kinh tế Sáng tạo" Tràng Tiền trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là triển lãm ý tưởng thiết kế sáng tạo được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Điểm khởi đầu của "Trục Tinh hoa di sản" Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông là Cung Thiếu Nhi Hà Nội - nơi tổ chức Đại triển lãm "Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai" với trên 30 hoạt động bao gồm nhiều chương trình triển lãm, chiếu phim, biểu diễn sân khấu, sân chơi, sắp đặt kiến trúc; kết hợp với các sự kiện vệ tinh bao gồm: workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm và các hoạt động cộng đồng.

Các hoạt động tại đây có sự tham gia đa dạng của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà làm phim, nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật… Dù ở những độ tuổi khác nhau, lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả họ đều chia sẻ cảm thức về lịch sử và văn hóa của Cung Thiếu nhi Hà Nội. Nhóm giám tuyển đã lựa chọn các tác phẩm có sự phản hồi, tương tác đồng điệu với bối cảnh và các sáng tác có tính đối thoại với từng không gian và ký ức của Cung. Qua đó, kích hoạt những di sản vô hình và hữu hình đã và đang lưu giữ ở đây, tiếp nối với những đối thoại và tự sự liên thế hệ, gợi mở những nhìn nhận quá khứ và những viễn kiến cho tương lai.

Điểm cuối của "Trục Tinh hoa di sản" là tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ - tiền thân là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương - nơi diễn ra Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác "Cảm thức Đông Dương". Đại triển lãm trưng bày 22 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Các tác phẩm nghệ thuật thị giác sẽ được "phủ kín" từ sảnh chính cho đến giảng đường, hành lang, từng ô cửa sổ và mái vòm của tòa nhà…

Nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại được các nghệ sĩ sử dụng để "kể" những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Cụm tác phẩm hứa hẹn là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh và âm thanh, gợi mở cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc và nghệ thuật của di sản và sự sáng tạo, trân trọng di sản, hài hòa với di sản để chuyển tải những câu chuyện lịch sử, hiện đại một cách độc đáo.

Thông qua việc tạo diện mạo mới cho các công trình cùng nỗ lực kết nối cộng đồng, giới sáng tạo thể hiện không chỉ là sự trân trọng với di sản, mà còn mong muốn cùng những người gắn bó với Thủ đô tiếp tục kiến tạo nhiều ký ức văn hóa, đặt tiền đề cho cách sống cùng với "di sản". Hai đại triển lãm được thực hiện trong sự vận động của những thực thể "sống", nơi không gian tự thân trở thành một chất liệu và cộng sự nghệ thuật, thay vì là một nơi trưng bày các tác phẩm bất kỳ.

Mọi người có thể liên tục cập nhật các thông tin về công tác tổ chức, các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội và những chi tiết lý thú, các góc nhìn mới mẻ về ‘Giao lộ sáng tạo’ tại hệ thống kênh truyền thông trực tuyến, bao gồm: Website: https://lehoithietkesangtao.vn/Fanpage: https://www.facebook.com/lehoithietkesangtaohn/Instagram & Threads:https://www.instagram.com/lehoithietkesangtaohanoi

Ngoài ra, một khu vực đặc biệt trong khuôn khổ triển lãm sẽ dành để tôn vinh, ươm mầm những sáng kiến của tất cả cộng đồng. Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ biến triển lãm ý tưởng Thiết kế Sáng tạo thành nơi chia sẻ và cổ vũ tinh thần dũng cảm sáng tạo, đồng thời hướng tới kết nối các nguồn lực hỗ trợ (nhà tài trợ, đầu tư tiềm năng...) đưa các sáng kiến sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống. Các tác giả gửi ý tưởng của mình tại https://bit.ly/nganhangytuong; thời hạn đến ngày 30/10/2024.

* Phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa

Trong định hướng xây dựng "Thành phố Sáng tạo", bên cạnh việc triển khai các sáng kiến cam kết với UNESCO, thành phố đã và đang phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa ở 12 nhóm ngành, nghề, lĩnh vực, hình thành môi trường thúc đẩy sáng tạo; xây dựng hạ tầng cơ sở, đặc biệt hạ tầng về khoa học công nghệ. Thành phố kêu gọi cộng đồng, các kiến trúc sư và giới trẻ cùng chung tay thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa tầm nhìn, biến Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết.

Sau thành công vượt mong đợi của năm 2023, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra trên quy mô lớn ngay tại trung tâm Thủ đô, quy tụ đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia cùng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, chính quyền. Tham gia Lễ hội năm nay, mọi người sẽ được "hưởng thụ" kết quả công việc của hơn 500 người trong ngành thiết kế sáng tạo. Trong đó, có trên 150 chuyên gia trong nước và quốc tế; trên 350 người nghiên cứu, thực hành thiết kế sáng tạo. Ngoài ra, Lễ hội còn có sự tham gia của trên 100 đối tác tổ chức với trên 100 hoạt động sáng tạo mang đến trên 1.000 tác phẩm./.


Tuyết Mai

Xem thêm