Với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng", thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa từ cơ sở đã phát hiện hàng ngàn gia đình tiêu biểu với những hành động, nghĩa cử cao đẹp.
Trong không khí thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 25/10, UBND thành phố Hà Nội đã trang trọng tổ chức hội nghị tuyên dương Gia đình Văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thủ đô đang tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu và phát huy giá trị ý nghĩa cao đẹp của ngày Gia đình Việt Nam. Ông Đỗ Đình Hồng kêu gọi mọi người dân Thủ đô chung tay phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc, vùng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Năm 2024, với chủ đề "Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng", thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa từ cơ sở đã phát hiện hàng ngàn gia đình tiêu biểu với những hành động, nghĩa cử cao đẹp. Ông Đỗ Đình Hồng biểu dương và chúc mừng 87 gia đình được trao tặng danh hiệu Gia đình Văn hóa Thủ đô tiêu biểu.
Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, tập trung triển khai những nội dung chính. Đó là: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… Đặc biệt, Hà Nội xác định xây dựng gia đình văn hóa là nội dung tiền đề quan trọng để xây dựng những mẫu hình văn hóa, gắn kết chặt chẽ trong triển khai các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... Đến nay, đã có 1,7 triệu hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình Văn hóa, đạt 88%.
Công tác gia đình ngày càng góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đã xuất hiện nhiều mô hình cấp quận/huyện/thị xã; xã phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố... tiêu biểu trong công tác xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình thể thao... Các hoạt động cụ thể ở địa phương đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều gia đình tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
Nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng. Việc bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Việc chăm lo, vun đắp, xây dựng giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Thủ đô luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng...
Những năm qua, Hà Nội luôn coi công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong 5 chương trình toàn khóa của Thành ủy nhằm chỉ đạo thống nhất mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, người Hà Nội từ thành phố tới cơ sở. Nhiệm vụ trên đòi hỏi người Hà Nội phải giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp các giá trị của ngàn năm văn hiến, phát triển bản thân về mọi mặt, trở thành người thanh lịch, văn minh./.