Văn hóa

70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội đã bước đầu khai thác hiệu quả kinh tế đêm

Hà Nội

Hà Nội đã bước đầu thành công với các chính sách hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế đêm, giúp kinh tế đêm không chỉ tăng về quy mô và còn cả về chất lượng.

Trình chiếu 3D Mapping tại Ô Quan Chưởng. 
Ảnh: Ngọc Anh -TTXVN phát

70 năm sau Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), xuất phát từ vị thế là Thủ đô - Trung tâm, đầu não kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, Hà Nội trong suốt mọi thời kỳ của lịch sử dân tộc, luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt khó đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, mở rộng dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Những thành tựu, kinh nghiệm đúc kết được sau 70 năm tiếp quản, 40 năm đổi mới, 16 năm mở rộng địa giới hành chính, hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, hơn 7 năm thực hiện Luật Thủ đô và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 giúp cho thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin: Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, kinh tế đêm tại Hà Nội ngày càng phát triển, đa dạng và phong phú hơn.

Hà Nội là một địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Không gian cho phát triển kinh tế đêm trước đây chỉ tập trung ở phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm, nay đã được nhân rộng sang các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Ba Đình. Nhiều mô hình phát triển kinh tế đêm được triển khai tại các khu phố đi bộ, không gian biểu diễn nghệ thuật, chợ đêm, phố ẩm thực.

Hà Nội đã bước đầu thành công với các chính sách hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế đêm, giúp kinh tế đêm không chỉ tăng về quy mô và còn cả về chất lượng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sơn nêu ví dụ: UBND quận Hoàn Kiếm mở rộng thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng trong 3 ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ kết hợp cùng nhiều tuyến phố được quy hoạch kèm theo như: Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí, Tràng Tiền...

Không gian đi bộ trong phố cổ Hà Nội.
Ảnh: TTXVN phát

Phố đi bộ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận đã góp phần lớn giúp thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ của Hà Nội. Đây không chỉ là nơi đi bộ, trò chuyện mà còn là nơi diễn ra hàng trăm sự kiện văn hóa lớn nhỏ, nơi biểu diễn nghệ thuật tự phát, trò chơi dân gian thu hút sự chú ý của rất nhiều người tham gia và theo dõi, đặc biệt là khách du lịch.

Hà Nội từ lâu đã đưa nghệ thuật trở thành một phần trong các tour du lịch. Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, thậm chí cả Nhà hát Kịch Hà Nội đều từng có show diễn riêng phục vụ du khách. Nhà hát Cải lương Hà Nội còn áp dụng cả mô hình sân khấu song ngữ, chuyển dịch nhiều trích đoạn cải lương sang tiếng Anh...

Trẻ em vui chơi tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm
Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Nhờ phát triển kinh tế đêm mà thời gian qua ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực vào GRDP của Hà Nội. Cụ thể là năm 2017, ngành du lịch đóng góp 8,07% vào GRDP, tỷ trọng đóng góp trực tiếp đạt 3,24%, gián tiếp là 4,83%. Năm 2018 là góp 10,15% vào GRDP, trực tiếp 4,12% và gián tiếp 6,03%.

Đặc biệt, một lượng lớn du khách tập trung về khu phố cổ đã tạo cơ hội việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho tiểu thương, thu hút khách du lịch. Các đơn vị nhà hàng, khách sạn lớn, công ty lữ hành đưa du khách trong nước, quốc tế đến Hà Nội từ năm 2017 đến nay, hầu hết đều ủng hộ phát triển kinh tế đêm để thu hút du khách, đáp ứng nhu cầu của du khách, tăng doanh thu, hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, Hà Nội đã dần hình thành các điểm đến đặc trưng của kinh tế đêm, như phố Tạ Hiện, chợ đêm phố cổ..., đóng góp một phần không nhỏ vào việc tăng chất lượng và sự đa dạng của ngành du lịch Hà Nội, tạo tiền đề để thành phố thí điểm các điểm kinh tế đêm có quy mô lớn, phong phú hơn.

Vào cuối tuần, cùng tuyến phố đi bộ, các hoạt động kinh doanh, giải trí diễn ra rất sôi động xung quanh khu vực phố cổ Hà Nội với các hoạt động ăn uống, siêu thị tiện ích, khách sạn, spa, bar, karaoke... và nhiều loại hình ăn theo như taxi, xích lô, ca múa nhạc trên phố đi bộ… Tất cả tạo nên không gian về đêm rất đặc trưng của Hà Nội.

Thêm vào đó, việc phát triển kinh tế đêm ở ba quận đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia, trong đó có du khách nước ngoài, người dân Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố cả nước.

Quầy bán tò he ở không gian phố đi bộ hồ Gươm.
Ảnh: Hoàng Hiếu-TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Nhìn chung Hà Nội đã có thay đổi để khai thác tiềm năng của kinh tế đêm nhưng vẫn còn có những bất cập cần khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Đó là, chất lượng kinh tế đêm vẫn còn thấp, đồng nghĩa với việc doanh thu của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ ít dẫn tới đóng góp vào tăng trưởng GDP của thành phố là không đáng kể.

Tiếp đó, quy mô còn rất nhỏ, các hoạt động kinh tế đêm còn nghèo nàn đơn điệu với hiệu quả kinh tế chưa rõ nét. Hà Nội chưa có các tổ hợp vui chơi giải trí về đêm chất lượng và quy mô tầm khu vực. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn điệu, thiếu bản sắc và phát triển ở quy mô nhỏ, chỉ mới tập trung vào các hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ. Các hoạt động về giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, các khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành một cách đồng bộ, bài bản. Ngoài các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính chất thời vụ hoặc vào các dịp lễ. Điều này khiến kinh tế đêm tại Hà Nội trở nên “nhàm chán” trong mắt một bộ phận khách du lịch nước ngoài.

Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh còn mang tính “chộp giật”. Ở một số điểm du lịch, một số cơ sở/cá nhân kinh doanh đêm, đặc biệt là cung cấp dịch vụ ăn uống và vận chuyển còn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, vẫn còn “chặt chém” du khách, ảnh hưởng đến uy tín của Hà Nội như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời các tiêu chuẩn vệ sinh đô thị cũng chưa được tuân thủ chặt chẽ, cộng với tác phong phục vụ du khách còn thiếu chuyên nghiệp.

Tuy có nhiều cơ hội nhưng Hà Nội vẫn chưa nắm bắt được và chưa tận dụng được  thời cơ. Lượng khách đến với Hà Nội có xu hướng tăng lên nhưng khu vực chưa tạo ra được nhiều sự lựa chọn để thu hút, níu chân du khách thập phương. Các hoạt động ban đêm chưa đa dạng, có ít địa điểm vui chơi, du lịch trải nghiệm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, có thể thấy việc phát triển kinh tế ban đêm của Hà Nội là hết sức cần thiết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội đa dạng hơn, hiệu quả hơn, tạo ra sức hấp dẫn đối với khách quốc tế. Nhưng việc phát triển kinh tế ban đêm cũng sẽ phát sinh tiêu cực, đặc biệt là an ninh, trật tự và xã hội… Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển, khai thác tốt những tiềm năng to lớn của Hà Nội và giảm thiểu những tiêu cực, phát huy tối đa những thành quả đã đạt được của Thủ đô trên hành tình phát triển sau 70 năm giải phóng./.

Minh Tâm

Xem thêm