Du lịch

70 năm Giải phóng Thủ đô: Để Tây Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách

Hà Nội

Phấn đấu đến năm 2030 quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô.

Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành, diện tích chừng 500 ha, nhìn từ góc độ này hồ Tây giống như lá phổi lớn mang lại bầu không khí trong sạch cho Thủ đô. 
Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Sau 70 năm Ngày Giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), Hà Nội đã có một diện mạo mới, phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, đặc biệt là kinh tế du lịch, quận Tây Hồ đang tập trung khai thác, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan tự nhiên để thu hút du khách.

* Nhiều tiềm năng

Tây Hồ là địa phương có nhiều di tích văn hóa với 64 di tích lịch sử, trong đó có 21 di tích được xếp hạng như: Đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… Các di tích  đều lâu đời, có giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, chùa Trấn Quốc đã có lịch sử gần 1.500 năm, là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với kiến trúc độc đáo, chùa được đánh giá là 1 trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Cùng với đó, phủ Tây Hồ là điểm đến linh thiêng nổi tiếng còn lưu truyền tín ngưỡng thờ Mẫu, trở thành điểm đến thăm quan thu hút du khách trong nước mà còn được khách nước ngoài ghé thăm mỗi khi đến Hà Nội...

Phủ Tây Hồ. 
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đặc biệt, quận có Hồ Tây với diện tích khoảng 527,517 ha, dung tích nước khoảng 10 triệu m3, chu vi khoảng 18km, là một trong những hồ có diện tích lớn nhất Thủ đô. Hồ Tây nằm trọn trong địa giới quận, là một cảnh quan thiên nhiên đẹp. Để khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan ven hồ Tây, đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, quận Tây Hồ đã xây dựng Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Người dân đến tham quan và dạo chơi tại Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. 
Ảnh: Nguyễn Thùy Dương - TTXVN

Ngoài ra từ những lợi thế trên, Tây Hồ hình thành nên nhiều không gian văn hóa, sinh thái hấp dẫn. Khu vực Nhật Tân với những vườn đào thắm sắc mỗi dịp Tết đến, những vườn hoa rực rỡ sắc màu trở thành điểm hẹn của nhiều du khách đến tham quan. Vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây không chỉ khẳng định hình ảnh đẹp đối với người dân Thủ đô mà đông đảo du khách các tỉnh, thành phố khác cũng tìm đến trải nghiệm. Các đầm sen ven hồ Tây tỏa sắc vào mùa hè đã trở thành điểm hẹn "check in" lý tưởng của nhiều người trẻ.

* Để trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô

Ngày 1/6/2022, UBND quận Tây Hồ đã có Quyết định số 1433/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đây là quyết định nhằm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa ở Huy Động giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chùa Trấn Quốc bên hồ Tây. 
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

Quận đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, từng bước bước xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa trở thành mũi nhọn, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quận; cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích được xếp hạng.

Quận tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng tour, tuyến kết nối các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề truyền thống, khu vui chơi giải trí, ẩm thực; xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hồ Tây. Phấn đấu đến năm 2030, quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô.

Xác định khai thác tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, quận đang tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ thời gian tới.

Đồng thời, quận tiếp tục đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn nhằm bảo vệ và phát huy giá trị điểm đến du lịch. Quận đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản. Trong đó phải kể đến không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt tại phủ Tây Hồ, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Lễ trao bằng công nhận “Nghề làm xôi ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ” là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn, quận Tây Hồ sẽ khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc,  không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị. Đồng thời gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử,  không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan xanh, sạch, đẹp./.

Thu Phương

Xem thêm