Văn hóa

70 năm Giải phóng Thủ đô: Khai thác khu vực sông Hồng để phát triển du lịch xanh

Hà Nội

Du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hướng tới một Thành phố ven sông. 
Ảnh: TTXVN phát

Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn, nổi bật, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục đứng đầu cả nước. Hà Nội hôm nay đã thực sự trở thành đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời là một trong hai trung tâm lớn nhất về kinh tế và giao dịch quốc tế.

Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sự chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền Thành phố lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tế của Thủ đô; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề để từng bước xây dựng Hà Nội trở thành thành phố toàn cầu.

Hà Nội cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thành phố đang tích cực triển khai và hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung, trong đó xác định quy hoạch và phát triển sông Hồng là trục cảnh quan chính. Định hướng chủ đạo là phát triển khu vực sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức, cảnh quan đặc sắc, kết nối di tích ven sông để phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.

*Tài nguyên du lịch từ sông Hồng

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Du lịch đường sông là loại hình quan trọng của du lịch toàn cầu. Loại hình này góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng du lịch, bến tàu và khu vực xung quanh. Khai thác du lịch đường sông góp phần giảm áp lực lên các điểm du lịch và hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt tại những thành phố lớn. Bên cạnh đóng góp về kinh tế và văn hóa, bằng cách thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ở miền Bắc,  sông Hồng là tuyến giao thông quan trọng, điểm đến hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng cổ ven sông như làng gốm Bát Tràng, Bút Tháp, Đền Đô…

Du khách ngắm hoàng hôn sông Hồng trên tàu du lịch cao cấp.
Ảnh: TTXVN phát

Sở Du lịch Hà Nội thông tin, sông Hồng dài 556 km, đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 160km, đi qua 15 quận, huyện với gần 30 di tích lịch sử, văn hóa. Nổi bật là di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì); đền Hát Môn (Phúc Thọ); đền Dầm, đền Đại Lộ (huyện Thường Tín), Chùa Mẫu (Hưng Yên); đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); đền Ghềnh, đền Rừng (quận Long Biên); đền Gióng (Gia Lâm)… Ngoài ra, dọc bờ sông Hồng còn xuất hiện nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm năm như: Làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng nghề mây tre đan (Thường Tín)…

Trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Điều này sẽ tạo bước đà mạnh mẽ cho phát triển du lịch sông Hồng trong tương lai.

Cầu Chương Dương về đêm.
Ảnh: TTXVN phát

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của du lịch sông Hồng trong tổng thể phát triển du lịch Thủ đô, 6/2024 Sở Du lịch đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/ TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024-2025. Trong đó, xác định nhiệm vụ "Hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (huyện Thường Tín) - Hưng Yên và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông” là một nội dung quan trọng, chiến lược nằm trong phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hà Nội có lợi thế nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng việc phát triển tuyến du lịch sông Hồng còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng kỳ vọng. Hiện nay Công ty Cổ phần Thăng Long - GTC là đơn vị khai thác bến Chương Dương, tuyến du lịch sông Hồng từ Hà Nội - Hưng Yên. Nhưng Công ty vẫn chưa khai khai và kết nối được hết các điểm di tích lịch sử, văn hóa, do hệ thống giao thông kết nối. Hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch đường sông (bến cảng, khu dịch vụ đón khách, bãi đỗ xe,...) còn chưa được đầu tư, phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu đón khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhiều năm trước, một bến thủy nội địa đã được đầu tư xây dựng gần khu vực đình Bát Tràng nhưng vẫn không hoạt động được do yếu tố kỹ thuật, khó khăn cho tàu thuyền cập bến và di chuyển của du khách...

*Đầu tư xứng đáng để có sản phẩm hấp dẫn

Theo Sở Du lịch Hà Nội, để tuyến du lịch sông Hồng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn mang thương hiệu du lịch Thủ đô, đầu tiên cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, đề án 2 bên bờ sông Hồng và bãi giữa. Từ đó, các bên liên quan xác định rõ, cụ thể vị trí, quy mô, công suất...các bến cảng, bến bãi, hệ thống giao thông kết nối. Từ đó, Hà Nội tập trung nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa  cơ sở vật chất, tạo điều kiện đón và phục vụ các tàu du lịch lớn, hiện đại.

Nguồn: Infographics.vn/TTXVN

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh thu hút, huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư phát triển cảng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về quản lý tài sản công, để kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vận hành, khai thác hiệu quả cảng du lịch sẵn có như Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm), Bát Tràng (Gia Lâm),...

Mặt khác, thành phố cần hỗ trợ các đơn vị lữ hành, vận chuyển đăng ký phương tiện tàu thủy vận chuyển khách, kết nối với các điểm đến du lịch… Đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách đột phá hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư phát triển hạ tầng cảng, đầu tư đóng mới và vận hành tàu thủy du lịch chất lượng cao, công suất lớn.

Sở Du lịch Hà Nội định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch trọng tâm là du lịch thể thao, sinh thái, vui chơi giải trí ven sông.  Cụ thể là các chương trình, hoạt động du lịch gắn với thể thao tại khu vực bãi giữa và 2 bên bờ sông Hồng như bay khinh khí cầu, dù lượn, đua thuyền… Cùng với đó là phát triển các điểm đến phục vụ hoạt động du lịch, trải nghiệm.

Cầu Long Biên vắt qua sông Hồng nối liền quá khứ với hiện tại.
Ảnh: TTXVN phát

Điều quan trọng là Hà Nội cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, đội ngũ hướng dẫn viên, lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động và màn hình chiếu trên tàu để tăng cường thông tin về các điểm đến cho du khách...

Nếu làm đồng bộ những việc trên, Sở Du lịch Hà Nội tin tưởng trong tương lai tuyến du lịch sông Hồng sẽ thực sự phát triển, trở thành một sản phẩm du lịch biểu tượng của Thủ đô. Qua đó tạo xung lực, dư địa mới cho sự phát triển của ngành du lịch Thủ đô giai đoạn tới đây…

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định 5 trục động lực là các trục Sông Hồng, Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Ba Vì, Nhật Tân - Nội Bài và trục liên kết phía Nam, trong đó trục Sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo. Trục Sông Hồng “là trục kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, là trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Hai bên bờ sông, xây dựng con đường di sản tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền và 63 tỉnh thành, là nơi phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền đất nước; kết nối với khu vực Hồ Tây và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm” 73 .

Đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng suốt trường kỳ lịch sử, phát triển thủ đô cân đối - hài hòa, nhanh - mạnh - bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên bờ sông Hồng. Như thế, mô hình thành phố “nhìn sông tựa núi” của Lý Thái Tổ nghìn năm qua đã đúng và chắc chăn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau vẫn tiếp tục đúng. Mục tiêu phát triển Hà Nội thành thành phố thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng châu thổ sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu và sánh ngang với thủ đô các nước phát triển trong khu vực chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trọn vẹn và sinh động./.

Minh Tâm

Xem thêm