Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để đi đầu không chỉ trong nước mà có thể giữ vai trò là hình mẫu trong khu vực về phát triển Thủ đô xanh, thông minh.
Vào năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 130km2, với nền kinh tế cũng khá “èo uột”, GDP bình quân đầu người lúc đó cũng rất thấp so với các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Giờ đây, Hà Nội trở thành nền kinh tế đầu tàu của cả nước, dần chuyển sang phát triển theo hướng kinh tế số, phát triển xanh.
* Tự lực, tự cường, sáng tạo
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, quá trình hình thành phát triển kinh tế của Thủ đô có rất nhiều thăng trầm, cũng như khó khăn, thách thức. Nhưng ở mỗi giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn phát huy được tinh thần kiên cường, tự lực, tự cường, nỗ lực, sáng tạo đã xây dựng Thủ đô giàu đẹp như hôm nay. Thành phố luôn linh hoạt để biến các khó khăn, thách thức thành thời cơ, trong đó chú trọng đổi mới công tác điều hành, chỉ đạo, tiết giảm tối đa thủ tục hành chính; tạo cơ chế chính sách hấp dẫn đầu tư; thường xuyên mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại và đã đón nhiều nhà đầu tư tầm cỡ vào địa bàn.
Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước; đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước. Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn. Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học - công nghệ, thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.
Hà Nội đã tăng tốc rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023, GDP thường dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao trong khoảng 10 năm qua. Theo đó, GRDP giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm. Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2023, với tổng kim ngạch tăng bình quân 4,57%/năm.
Những năm gần đây, Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trên cơ sở đó, đến năm 2020, trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, kinh tế Hà Nội có bước phát triển rất mạnh mẽ. Vào năm 2022, mặc dù là tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn.
Về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngày nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.
Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động, hàng chục nghìn hộ bán lẻ, hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh. Hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được Hà Nội chú trọng phát triển. Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế). 9 tháng năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của Hà Nội. Trên địa bàn có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021, 2022, 2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội.
Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đóng góp vào trong các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hiện, Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
* Chuyển đổi xanh, phát triển tuần hoàn
Chủ trương của thành phố Hà Nội là luôn chú trọng hợp tác, mở rộng quan hệ, nhưng phải tiếp thu, có lựa chọn hướng tới sự tiện ích, bảo vệ, thân thiện môi trường và các sản phẩm chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, Thủ đô với sứ mệnh làm hình mẫu đi đầu của cả nước, nên định hướng phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực phải hướng đến đi đầu các xu thế phát triển của thời đại là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Các xu hướng trên được phát triển dựa trên cơ sở chuyển đổi số, hình thành trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh, phát triển một hệ thống hạ tầng thông minh đồng bộ cùng với thiết lập một hệ sinh thái cho phát triển kinh tế số - xanh – tuần hòa và chia sẻ.
Ông Hoạt cho rằng, đây không chỉ là yêu cầu mà còn là con đường giúp cho Hà Nội có thể tạo ra những bứt phá phát triển nhảy vọt. Thêm vào đó, là nơi có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi hội tụ của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của đất nước, cùng với những lợi thế về địa kinh tế và môi trường thể chế, Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để đi đầu không chỉ trong nước mà có thể giữ vai trò là hình mẫu trong khu vực về phát triển Thủ đô xanh, thông minh với sức mạnh của kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ.
Phát triển kinh tế số, phát triển xanh hay phát triển tuần hoàn, kinh tế chia sẻ không phải là những hoạt động riêng biệt mà được lồng quyện vào mỗi hoạt động kinh tế - xã hội theo các phương thức ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ vào quá trình phát triển, để chuyển từ các hoạt động theo phương thức truyền thống sang phương hoạt động trên nền tảng số và điều hành thông minh.
Các yêu cầu của chuyển đổi xanh và phát triển tuần hoàn cũng được đặt ra trong tất cả các lĩnh vực phát triển để không chỉ tuân thủ và hướng tới mục tiêu cắt giảm phát thải ròng, mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế trực tiếp từ phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn. Đối với các chương trình, dự án phát triển đô thị và các hoạt động kinh tế đô thị, những vấn đề về chuyển đổi số, phát triển thông minh, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn và kinh tế chia sẻ vừa có điều kiện thuận lợi để phát triển do mức độ tập trung cao về mật độ phát triển và qui mô khách hàng, vừa là yêu cầu tất yếu để khai thác và sử dụng hữu hiệu nguồn lực có giới hạn trong phạm vi lãnh thổ đô thị.
Do vậy, cần phải tạo lập một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ làm nền tảng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển thông minh trên cơ sở chuyển đổi số chia sẻ dữ liệu đồng bộ; phải hình thành hệ sinh thái đồng bộ từ cơ sở pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phát triển, xác lập các quan hệ giao dịch theo yêu cầu phát triển kinh tế số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn và chia sẻ.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phát triển công nghiệp có chọn lọc gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh; gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa trong sản xuất các ngành công nghiệp; xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ ngành công nghiệp và đổi mới sáng tạo; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành ngành công nghiệp; đưa ngành nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững, trở thành một trong những tỉnh, thành phố có nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước; nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị./.