Du lịch

Tiềm năng lớn cho phát triển du lịch vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc Việt Nam

Dựa trên thế mạnh của sản xuất chè và văn hóa trà, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của tiểu vùng, kết nối với các giá trị tài nguyên khác.

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Lê Quang Đăng (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) phát biểu. 
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Ngày 8/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam”.

Hội thảo phát triển du lịch vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc, Việt Nam

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có diện tích đất nông nghiệp hơn 28 triệu ha, chiếm 84,5% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Trồng chè là một trong những thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam. Chè là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt phổ biến tại vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Một số địa phương có vùng chè nổi tiếng như: Thái Nguyên (Tân Cương), Hà Giang (Hoàng Su Phì), Phú Thọ (Tân Sơn), Sơn La (Mộc Châu), Nghệ An (Thanh Chương), Hà Tĩnh (Hương Sơn), Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đắk Nông (Gia Nghĩa)… Trong đó, tiểu vùng Đông Bắc là khu vực có nhiều vùng chè tập trung và có diện tích chè lớn nhất.

Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng chia sẻ về cây chè và văn hóa trà Việt. 
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định, mỗi vùng chè đều có những giá trị tài nguyên chung gắn với nông nghiệp sản xuất chè, đồng thời có những giá trị riêng khác, gắn với mảnh đất, văn hóa và đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Khai thác tốt các giá trị vùng chè sẽ góp phần phát triển du lịch, đóng góp cho kinh tế-xã hội của địa phương.

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Lê Quang Đăng (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) đã thực hiện hơn 400 phiếu điều tra xã hội học với khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống tại vùng chè. Kết quả, 87,5% doanh nghiệp lữ hành được khảo sát đánh giá việc phát triển du lịch tại các vùng chè ở tiểu vùng Đông Bắc là “rất khả thi”.

Dựa trên thế mạnh của sản xuất chè và văn hóa trà, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù của tiểu vùng, kết nối với các giá trị tài nguyên khác để đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng tham gia kinh doanh du lịch tại vùng chè. Cộng đồng địa phương có ý thức và sẵn sàng tham gia làm du lịch. Đặc biệt, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng phát triển du lịch tại các vùng chè.

Trong 7 tỉnh của tiểu vùng Đông Bắc, các doanh nghiệp lữ hành đã đánh giá cao tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tại các vùng chè. Kết quả cao nhất ở tỉnh Thái Nguyên (93,75%), tiếp đến là: Hà Giang (68,75%), Tuyên Quang (50%), Cao Bằng (37,5%), Lạng Sơn (18,75%). Bắc Kạn và Bắc Giang có tỷ lệ thấp nhất (cùng 6,25%).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hạ tầng giao thông kết nối trục chính với các vùng chè và giao thông nội khu ở các vùng chè còn nhiều hạn chế. Các yếu tố hạ tầng cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng môi trường, thông tin viễn thông ở mức độ bình thường, đủ đáp ứng như cầu sinh hoạt của người dân nhưng hạn chế khi phục vụ khai thác phát triển du lịch.

Vùng chè tại Tân Cương, Thái Nguyên
Ảnh tư liệu: Trần Trang - TTXVN

Thiếu cơ sở lưu trú qua đêm là thực trạng tại các vùng chè các địa phương. Hơn 57% khách lựa chọn lưu trú ở vùng chè tại các khách sạn bình dân, nhà nghỉ du lịch, nhà ở cho thuê (homestay) hoặc ở lều trại.  Hơn 42% không lựa chọn lưu trú qua đêm tại các vùng chè do không có cơ sở lưu trú đáp ứng yêu cầu hoặc chỉ du lịch trong ngày.

Ông Lê Quang Đăng đề xuất, chính quyền địa phương các cấp đầu tư xây dựng quy hoạch phát triển các vùng chè theo hướng: vừa phát triển vùng sản xuất chè, vừa đánh giá, xác định giá trị tài nguyên, khoanh vùng tài nguyên vùng chè để phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, phát triển du lịch tại các vùng chè cần dựa trên 2 nền tảng cốt lõi: Nông nghiệp sản xuất chè và văn hóa trà. Bởi, đây là đòn bẩy, động lực, yếu tố quyết định thành công của du lịch tại các vùng chè.

Quang cảnh hội thảo.
Ảnh: Ngọc Bích - TTXVN

Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, Phó Trưởng ban Bảo tồn phát triển Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chia sẻ về nguồn gốc, lịch sử cây chè và văn hóa trà của người Việt. Ông Dũng khẳng định, khai thác văn hóa trà Việt phục vụ du lịch là một hướng mới, cần được ngành du lịch Việt Nam quan tâm đúng mức. Hiện nay, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã tiên phong đưa văn hóa trà vào học đường. Việt Nam nên tham khảo để mở đường cho đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức về văn hóa trà góp phần lan tỏa văn hóa trà Việt ra cộng đồng và thế giới.

Các kiến nghị tại hội thảo còn đề cập đến việc tăng cường quảng bá về trà Việt, xúc tiến du lịch các tiểu vùng chè trong các hội trợ thương mại về trà, hội thảo quốc tế về trà ở trong và ngoài nước, tổ chức các cuộc thi về trà để kích cầu thị trưởng cho cả hai ngành du lịch và kinh doanh trà…/.

Ngọc Bích

Xem thêm