Buôn Tơng Jŭ hiện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như: Bến nước, rẫy vườn, nhà dài truyền thống, nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống, các nghề thủ công, chế tác nhạc cụ, văn hóa cồng chiêng.
Ngày 18/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ công bố buôn Tơng Jŭ (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) trở thành điểm đến du lịch cộng đồng. Đến nay, tỉnh đã có 4 buôn du lịch cộng đồng gồm: Ako Dhông, Tơng Jŭ (thành phố Buôn Ma Thuột), Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2433/QĐ-UBND ngày 16/11/2023 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu buôn Tơng Jŭ (xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột) và buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk). Dự án nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển văn hóa cộng đồng.
Buôn Tơng Jŭ ở giữa dòng suối Ea Kao và Ea Tơng. Trong tiếng Ê Đê, Tơng Jŭ có nghĩa là vực nước sâu màu đen không bao giờ cạn. Buôn là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Ê Đê, còn lưu giữ nhiều tập quán sinh hoạt độc đáo của cộng đồng. Buôn cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12km, hiện có 467 hộ dân với 2.090 nhân khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 86%. Buôn hiện có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như: Bến nước, rẫy vườn, nhà dài truyền thống, nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống, các nghề thủ công, chế tác nhạc cụ, văn hóa cồng chiêng… và gần khu vực hồ đập Ea Kao - một công trình nhân tạo đẹp nổi tiếng tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, buôn Tơng Jŭ cho biết, hoạt động du lịch cộng đồng đã được 18 hộ dân trong buôn cùng làm cách đây 2 năm. Ban đầu, các hộ dân gặp nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, song đến nay, qua các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hộ dân xác định được các sản phẩm du lịch và đã đón tiếp du khách đến trải nghiệm, tham quan du lịch. Các hộ dân được tập huấn, tham quan mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh phía Bắc, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa như nhạc cụ biểu diễn, hỗ trợ mua sắm máy tính, bàn ghế đặt máy tính và trang thông tin điện tử du lịch.
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, Tơng Jŭ là 1 trong 16 buôn được tỉnh quy hoạch, đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng, bằng nhiều nguồn khác nhau như Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025; Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719)... Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để buôn du lịch cộng đồng phát triển, tạo nên dấu ấn riêng. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh sẽ công nhận thêm 3 buôn du lịch cộng đồng, gồm buôn Tuôr (thành phố Buôn Ma Thuột), buôn Kly A (thị xã Buôn Hồ) và buôn Jun (huyện Lắk). Đây là công trình chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024).
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu đề nghị, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp nông thôn đạt chuẩn OCOP 3 sao, OCOP 4 sao để phục vụ du khách. Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk kết nối đưa các đoàn du khách đến với các buôn du lịch cộng đồng. Các sở, ban, ngành quan tâm, tập trung nguồn lực cho những buôn nằm trong quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng./.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- phát triển
- du lịch
- cộng đồng
- dấu ấn riêng