Tình/Thành phố Đắk Lắk

Dân số: Khoảng 1.909.000 người (chiếm 34% dân số Tây Nguyên, đứng thứ 10 cả nước), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 36%, với 49 dân tộc cùng sinh sống.
Diện tích: 13.070,41 km², đứng thứ 4 cả nước; diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước (657.728 ha- chủ yếu là đất đỏ bazan)
Đơn vị hành chính: Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm Thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Ea Kar, M’đrắk, Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng); 184 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 20 phường, 12 thị trấn và 152 xã).
Bí thư Tỉnh ủy: Nguyễn Đình Trung
Chủ tịch UBND tỉnh: Phạm Ngọc Nghị
Điều kiện tự nhiên:
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba. Độ cao trung bình 400 – 800 mét so với mặt nước biển. Địa hình Đắk Lắk có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven các dòng sông chính. Thời tiết chia làm 2 mùa khá rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình nhiều năm toàn tỉnh đạt từ 1600–1800 mm. Rừng Đắk Lắk có diện tích và trữ lượng lớn nhất nước với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm, nhiều loại cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị khoa học. Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều; trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều hồ tự nhiên và hồ nhân tạo như hồ Lắk, Ea Kao, Buôn Triết,...
Tiềm năng thế mạnh:
Đắk Lắk là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với Tây Nguyên và cả nước; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận.
Tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tái cơ cấu nền nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tự động hóa vào sản xuất; phát triển du lịch và dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp năng lượng tái tạo...