Văn hóa

Mái nhà sàn pơ mu - kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi

Nghệ An

Nhiều địa phương Nghệ An khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà cổ, gắn vào hương ước, quy ước của bản làng để vừa phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng cũng vừa là gìn giữ nét bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Những ngôi nhà sàn, nhà trệt được làm bằng gỗ và lợp mái gỗ pơmu của đồng bào dân tộc nơi đây có giá trị về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và cần được quản lý, bảo tồn và gìn giữ. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ngôi nhà trệt, nhà sàn được lợp bằng gỗ pơ mu không chỉ là nơi sinh sống mà còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Nghệ An. Trước sự tàn phá của thời gian và sự phát triển của xã hội, người dân cùng chính quyền địa phương các huyện miền núi Nghệ An đang nỗ lực bảo tồn nhà sàn, nhà trệt biểu tượng văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi không bị mai một.

* Gìn giữ mái nhà pơ mu

Nhà lợp bằng gỗ pơmu kín gió, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và không bị ẩm mốc. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Đặt chân lên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong mùa này, lẫn trong khói lam chiều là khung cảnh yên bình, trầm mặc của những mái nhà pơ mu truyền thống của người Mông và Thái.

Bản Pà Khốm là một trong số những bản làng xa xôi ở xã Tri Lễ còn giữ được 100% mái nhà pơ mu cổ kính. Đón chúng tôi ở đầu đường vào bản, Trưởng bản Vừ Bá Rê vừa đi vừa đưa tay chỉ về những ngôi nhà gỗ lợp mái pơ mu hào hứng nói: Pà Khốm gồm gần 100 hộ đồng bào Mông với trên 600 nhân khẩu, thế nhưng nhà nào cũng giữ được nếp nhà cổ của cha ông để lại. Pơmu là loại gỗ quý hiếm, trong thân gỗ có dầu có khả năng chịu nước, chống mối mọt. Vì thế từ xa xưa, người Mông ở Tri Lễ đã dùng ván pơ mu để lợp mái nhà. Đặc biệt, nhà lợp bằng gỗ pơ mu kín gió, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và không bị ẩm mốc. Nhiều mái nhà đã có hàng trăm năm tuổi, trở thành nét đặc trưng của bản làng.

Đứng giữa sân, trưởng bản Vừ Bá Rê chỉ vào mái lợp gỗ pơ mu ngay chính ngôi nhà của mình rồi nói: "Không chỉ gia đình tôi mà những mái nhà trong bản này được lợp nên khi cha ông chọn đất lập bản, dựng mường. Đây là nơi cất tiếng khóc chào đời của biết bao người, bao niềm vui, nỗi buồn đều diễn ra dưới mái nhà ấy. Nơi đây không chỉ là những mái gỗ che mưa, che nắng mà còn là bản sắc, cội nguồn, là truyền thống của cả một cộng đồng".

Bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong gồm 100 hộ đồng bào Mông, Thái, thế nhưng nhà nào cũng giữ được nếp nhà cổ của cha ông để lại. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tri Lễ là xã vùng cao biên giới của huyện Quế Phong, phía Tây giáp với nước Lào, gồm 4 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Đối với đồng bào người Mông, hầu hết là kiến trúc nhà gỗ trệt lợp ngói pơ mu. Hiện 5 bản của người Mông đều giữ được kiến trúc nhà trệt lợp bằng gỗ pơ mu như bản Pà Khốm, Huồi Mới, Nậm Tột, Huồi Xá và Mường Lống.

Thực hiện Dự án Di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã Tri Lễ, năm 2008, một số bản của người Mông đã được tái định cư về gần trung tâm xã. Bên cạnh một số hộ vẫn còn giữ nguyên, tái dựng lại ngôi nhà trệt gỗ lợp mái pơ mu thì một số hộ gia đình lại lợp mái tôn, dỡ mái gỗ pơ mu để bán cho các thương lái.

Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương cùng với các già làng đã tuyên truyền đến tận từng hộ dân công tác cấm khai thác rừng, trong điều kiện nguồn gỗ khan hiếm thì người dân càng phải bảo tồn gìn giữ mái nhà bằng gỗ pơ mu, không được dỡ bán cho các thương lái”.

Trải qua thời gian, do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng mưa thất thường, một số mái nhà bằng gỗ pơ mu đã bị nứt, thủng nhưng không có vật liệu để thay thế cho đồng bộ. Trong khi đó, người dân lại tuân thủ nghiêm quy định cấm khai thác gỗ. Vì thế một số hộ đã phải lợp thay bằng mái tôn. Thực trạng trên cũng là điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ bản các huyện miền núi Nghệ An luôn trăn trở.

* Hướng tới điểm du lịch cộng đồng

Du khách thích thú khám phá nhà lợp bằng gỗ pơmu ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Đi suốt dọc chiều dài miền Tây Nghệ, dễ dàng bắt gặp những mái nhà lợp bằng gỗ pơ mu ẩn hiện dưới những đám mây bảng lảng trôi hay xen lẫn với màu xanh của cây rừng. Từ Tây Sơn qua Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống… thuộc huyện Kỳ Sơn; đến Tri Lễ, Hạnh Dịch thuộc huyện Quế Phong; rồi từ Nhôn Mai, Mai Sơn đến Lưu Kiền, Tam Hợp thuộc huyện Tương Dương… là những mái nhà gỗ pơ mu nhuốm màu nắng gió miền biên ải.

Không thể để nét văn hóa, bản sắc của dân tộc bị mai một, đã có rất nhiều cách phục dựng, bảo tồn, níu giữ những mái nhà lợp gỗ pơ mu truyền thống. Thời gian qua, nhiều địa phương Nghệ An khuyến khích người dân gìn giữ những nếp nhà cổ, gắn vào hương ước, quy ước của bản làng để vừa phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, cũng vừa là gìn giữ nét bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết người dân tộc Mông và Thái ở xã Tri Lễ, xã Hạnh Dịch huyện Quế Phong còn giữ gìn nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, từ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, trang phục, đặc biệt là rất nhiều nhà sàn, nhà trệt lợp gỗ pơ mu cổ kính… Những ngôi nhà sàn, nhà trệt được làm bằng gỗ và lợp mái gỗ pơ mu của đồng bào dân tộc nơi đây có giá trị về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và cần được quản lý, bảo tồn và gìn giữ. Với những nét văn hóa đặc trưng, xã Tri Lễ và Hạnh Dịch hiện nay đang trở thành điểm du lịch cộng đồng thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh về trải nghiệm.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, công tác phục dựng, gìn giữ nhà sàn cổ, nhà trệt cổ lợp mái gỗ pơ mu rất dược quan tâm, chú ý. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Hùng cho biết: Địa phương đã mời các chuyên gia về du lịch đi khảo sát thực tế, đánh giá về lợi thế, khai thác về du lịch từ bản làng người Mông và Thái cổ, nếp nhà sàn độc đáo nơi đây. Cùng với rừng mận, rừng đào, những ngôi nhà sàn cổ, nhà trệt cổ lợp mái gỗ pơ mu, huyện Kỳ Sơn đang xây dựng làng Mường Lống 1, Mường Lống 2, xã Mường Lống thành điểm du lịch cộng đồng.

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân lưu giữ lại những ngôi nhà sàn cổ, nhà trệt cổ lợp mái gỗ pơ mu để họ thấy được giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình qua ngôi nhà sàn. Các huyện miền Tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong xây dựng các đề án để bảo tồn không gian văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, các huyện cũng có những cơ chế, chính sách để người dân chủ động, có ý thức bảo tồn ngôi nhà mình đang sống, tạo sinh kế từ việc bảo tồn các giá trị văn hóa.

Thời gian tới, ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành rà soát, kiểm kê, phân loại các ngôi nhà sàn, nhà trệt cổ lợp mái gỗ pơ mu để xem xét, xếp hạng theo Luật Di sản đồng thời số hóa kiến trúc nhà sàn nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản, phục vụ phát triển du lịch./.

Bích Huệ

Xem thêm