Tỉnh Đồng Nai với khối di sản văn hóa rất lớn đến từ các dân tộc đang sinh sống ở địa phương, chứa đựng nhiều giá trị đặc trưng là điều kiện tốt để phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống, Đồng Nai là địa phương đa sắc tộc, đa tôn giáo, đồng thời cũng là mảnh đất nổi tiếng về các ngành nghề thủ công truyền thống, phong phú, thể hiện tài hoa của con người nơi đây trong lịch sử hình thành và phát triển.
Không gian văn hóa tiêu biểu của vùng Đông Nam Bộ
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền (Trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, tỉnh Đồng Nai mới xứng danh là một tiểu không gian tộc người – văn hóa tiêu biểu của vùng văn hóa Đông Nam Bộ, có vị trí và vị thế văn hóa hài hòa giữa kín và mở, giữa ngưng tụ và phát triển, xứng đáng trở thành một “trung tâm/bảo tàng văn hóa tộc người bản địa Đông Nam Bộ” và là cộng đồng đa tộc người, sống cân bằng, hòa điệu giữa truyền thống và hiện đại, giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, so với các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Đồng Nai mới có những đặc điểm về lịch sử, địa lý, địa hình, khí hậu, địa chất, tài nguyên, dân tộc, tôn giáo… nhiều nét riêng, nhiều lợi thế. Địa phương này là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, “địa lợi, nhân hòa”, xưa gần Gia Định, Sài Gòn, nay gần Thành phố Hồ Chí Minh; giáp biên giới với ba tỉnh của Campuchia, giáp vùng Tây Nguyên xa xanh trù phú; vừa hội tụ, vừa lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Từ bao đời nay, các dân tộc Kinh, S’tiêng, Khmer, Hoa đoàn kết, ấm áp, chung lòng, chung sức khai phá, xây dựng quê hương; sau này có thêm một số dân tộc ít người từ phía Bắc vào như Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái…
Cùng đó, tỉnh còn có các lễ hội và hoạt động văn hóa tiêu biểu như lễ hội cầu mưa của đồng bào S'Tiêng, lễ hội miếu Bà Rá, Tết mừng lúa mới của người M’Nông, Tết Chol Chnăm Thmây của người Khmer, Lễ hội Dolta…; các món ngon dân dã mà ấn tượng như bánh hạt điều, hạt điều rang muối, ve sầu sữa chiên giòn, thịt heo thả rông, cơm lam, canh thụt, canh có lóc, đọt mây…
Giáo sư, Tiến sỹ Cao Việt Hiếu (Trường Đại học Bình Dương) cũng cho rằng, tỉnh Đồng Nai mới là địa phương có sự đa dạng, phong phú về văn hóa tộc người. Nếu người Khmer có lễ Xuống đồng, lễ Phá Bàu, lễ hội gắn với Phật giáo... thì người S’tiêng có lễ Mừng lúa mới, Quay đầu trâu… Nghề truyền thống của các cộng đồng dân tộc cũng có những nét riêng như người S’tiêng, M’Nông có nghề dệt thổ cẩm; người Khmer có nghề đan tấm trải sàn từ cây Lùng… Tất cả tạo nên một địa phương đa dạng sắc thái văn hóa – đây là yếu tố có vai trò rất quan trọng để xây dựng phát triển tỉnh trong thời kì mới.
Tỉnh Đồng Nai với khối di sản văn hóa rất lớn đến từ các dân tộc đang sinh sống ở địa phương, chứa đựng nhiều giá trị đặc trưng là điều kiện tốt để phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giúp cho các cộng đồng cư dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ chính tài sản văn hóa của các cộng đồng.
Chuyển hóa thành các giá trị kinh tế
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền, Đồng Nai có thể cân nhắc lựa chọn hệ thống triết lý Đa dạng – Nhân nghĩa – Hiện đại, tích cực xây dựng và hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu làm khung nhận thức và thực hành cho chính quyền và toàn thể nhân dân trong tỉnh.
Cho rằng, nguồn lực văn hóa sẽ không thể được truyền bá, lan tỏa hiệu quả nếu không được chuyển hóa thành các giá trị kinh tế – xã hội phục vụ sự phát triển các cộng đồng địa phương, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền đề nghị Đồng Nai khai thác nguồn lực tổng hợp tự nhiên – sinh thái và nhân văn để quảng bá thương hiệu du lịch. Mặt khác, tỉnh có thể lựa chọn xây dựng các lễ hội thường lệ như lễ hội âm nhạc và vũ điệu truyền thống Đông Nam Bộ; lễ hội văn hóa S’tiêng Sóc Bom Bo, lễ hội cồng chiêng… để tạo điểm nhấn văn hóa và du lịch, tạo sân chơi văn hóa cho các nghệ nhân và cộng đồng dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là cách hỗ trợ các cộng đồng dân tộc ít người có thể duy trì các loại hình nghệ thuật và nghề truyền thống thông qua cơ chế nhắc nhớ qua mỗi lần tham gia lễ hội và trao truyền cho thế hệ trẻ.
Gần đây, tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bom Bo, tỉnh Đồng Nai) đã diễn ra Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch, mà còn góp phần từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; kêu gọi sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp… góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, cũng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã diễn ra Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Ngày mới trên sóc Bom Bo”. Có thể khẳng định, sự kiện văn hóa này có ý nghĩa nhằm tôn vinh, bảo tồn và lan tỏa vẻ đẹp của trang phục thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm – một giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Cao Việt Hiếu, tỉnh cần ứng dụng công nghệ số trong phát triển văn hóa, con người, xây dựng các hình thức quảng bá trên các nền tảng số về loại hình văn hóa độc đáo của các cộng đồng dân tộc, từ đó, tạo điều kiện để sản phẩm văn hóa tham gia phát triển du lịch, gián tiếp góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ gợi ý, trong tình hình mới, địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số, công dân số…; chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa; số hóa các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên văn hóa nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu số đầy đủ, hấp dẫn về văn hóa, con người của tỉnh; đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh theo hướng kinh tế số./.
- Từ khóa:
- văn hóa
- dân tộc
- Đồng Nai
- phát triển kinh tế