Sếu đầu đỏ cơ bản thích nghi với môi trường khu bảo tồn của Vườn Quốc gia Tràm Chim
Sếu đầu đỏ được nuôi nhốt tại Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia Thái Lan cũng như tư vấn của Hội Sếu quốc tế.
Tối 18/7, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, 1 trong số 6 cá thể sếu đầu đỏ được đưa về từ Thái Lan, thuộc Đề án "Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, giai đoạn 2022 - 2032" đã chết.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, sếu đầu đỏ được nuôi nhốt tại Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia Thái Lan cũng như tư vấn của Hội Sếu quốc tế. Tuy nhiên, có 1 cá thể sếu không thích nghi được nên đã chết. Đối với 5 cá thể sếu còn lại hiện đang được chăm sóc tốt, cơ bản thích nghi với môi trường khu bảo tồn của Vườn Quốc gia Tràm Chim và khỏe mạnh.
Để xác định nguyên nhân sếu chết, các chuyên gia của Thảo cầm viên Sài Gòn phối hợp với lực lượng thú y tỉnh Đồng Tháp, chuyên gia Thái Lan và Hội Sếu quốc tế đã khám nghiệm xác cá thể sếu. Kết quả không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến chấn thương, viêm nhiễm, ký sinh trùng nội tạng hay dị vật đường tiêu hóa. Cá thể sếu không phải chết do các nguyên nhân liên quan đến quá trình vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam hay nuôi cách ly tại Thảo cầm viên Sài Gòn, Vườn Quốc gia Tràm Chim. Nguyên nhân chết có thể là không thích nghi được dẫn đến suy nhược cơ thể. Quá trình suy nhược cơ thể đã làm giảm sức đề kháng và khả năng thích nghi với môi trường mới. Quan sát trong thời gian nuôi cách ly cho thấy, cá thể sếu này đã có biểu hiện ít vận động và ăn uống kém hơn nhiều so với các cá thể khác.
Theo Tiến sĩ Trần Triết, Hội Sếu quốc tế, đây là lần đầu tiên có hợp tác song phương giữa hai quốc gia Việt Nam - Thái Lan trong việc chuyển giao các cá thể sếu đầu đỏ phục vụ công tác bảo tồn, phục hồi quần thể loài và cũng là lần đầu tiên thực hiện vận chuyển sếu đã lớn (7 tháng tuổi). Quá trình vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam rất khó khăn cho các cá thể sếu do thời gian kéo dài 16 giờ; di chuyển bằng phương tiện đường bộ và đường hàng không, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Các cá thể sếu lại không được ăn và uống do phải ở trong thùng cách ly.
Việc vận chuyển động vật, nhất là những loài chim có kích thước lớn như sếu, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo bác sĩ Diana Boon, Trưởng bộ phận thú y của Hội Sếu quốc tế, trong quá trình vận chuyển, những chấn thương như gãy chân, gãy cánh, hay chấn thương ở vùng cổ rất dễ xảy ra và có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, việc toàn bộ 6 cá thể sếu về đến Việt Nam an toàn là một thành công rất lớn, tạo tiền đề cho những lần vận chuyển sắp tới.
Trước đó, ngày 20/4/2025, tại Vườn quốc gia Tràm Chim, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ. Đây là những cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên được đưa về từ Thái Lan, thuộc Đề án "Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, giai đoạn 2022 - 2032". Đến nay, Đề án đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ như: hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong việc bảo tồn và phát triển sếu; Vườn Quốc gia Tràm Chim đã thành lập Tổ quản lý và chăm sóc sếu đầu đỏ; ban hành Nội quy ra, vào chuồng nuôi sếu; thành lập nhóm hỗ trợ chăm sóc…
Bên cạnh đó, việc phục hồi sinh cảnh lúa ma được quan tâm thực hiện nhằm tạo điều kiện cho hạt lúa phát triển và cải thiện sinh cảnh, thu hút các loài chim đến kiếm ăn, trú ngụ; phục hồi các bãi năng kim nhằm cải tạo sinh cảnh, tạo nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần nâng cao giá trị sinh thái và hỗ trợ bảo tồn các loài chim nước quý hiếm, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Vườn Quốc gia Tràm Chim đã phối hợp với các xã vùng đệm thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị phục vụ vùng sản xuất lúa sinh thái; đào tạo nhóm nông dân chuyên nghiệp, xây dựng quy trình canh tác và nhãn hiệu lúa sinh thái.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn tiếp theo, Đề án sẽ tập trung kiện toàn Ban điều hành và các Tổ chuyên môn; hoàn thiện các phương án vận chuyển sếu đầu đỏ về Tràm Chim đợt 2 năm 2026; tiếp nhận sếu và khởi động tái thả sếu về thiên nhiên. Vườn Quốc gia Tràm Chim tiếp tục cử thêm nhân viên kỹ thuật sang tập huấn tại Thái Lan về kỹ thuật ấp trứng, nuôi dưỡng sếu non, ghép đôi sinh sản và theo dõi sếu sau thả; mời các chuyên gia quốc tế tiếp tục sang Tràm Chim đào tạo tại chỗ cho toàn bộ ê-kíp. Mục tiêu trong 2 năm tới, đội ngũ cán bộ của Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể làm chủ hoàn toàn quy trình chăm sóc, nhân nuôi và bảo vệ đàn sếu ngoài tự nhiên.
Tháng 12/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố Đề án "Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032". Mục tiêu chung của đề án là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm (từ năm 2022 - 2032), nuôi thả 100 cá thể sếu với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu đầu đỏ thả ra sẽ có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim./.
- Từ khóa:
- Sếu đầu đỏ
- bảo tồn
- Vườn Quốc gia Tràm Chim