Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà đề xuất một số giải pháp cụ thể như, cần tập trung điều tra, truy bắt và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán hổ trái phép tại Nghệ An, địa phương đang được xác định là điểm nóng của cả nước.
Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những quy định nghiêm khắc đối với hành vi nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép, nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn tiếp diễn phức tạp tại nhiều địa phương. Thực trạng này không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, mà còn đặt ra thách thức lớn trong việc thực thi các cam kết bảo tồn loài nguy cấp.
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), tình trạng vi phạm liên quan đến động vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho thấy, giai đoạn từ năm 2018 cuối năm 2024, cả nước ghi nhận 66 vụ việc liên quan đến hoạt động nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép. Đáng chú ý, khoảng 65% trong số này có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An.
Thực tế cho thấy, hổ thường được nuôi ngay trong khuôn viên nhà dân, thậm chí có trường hợp nuôi dưới tầng hầm hoặc trong các không gian kín đáo trong nhà. Việc phát hiện là rất khó khăn nếu không có tố giác từ người dân. Khi hổ trưởng thành, các đối tượng thường vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều địa phương khác trong cả nước.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà cho rằng, điều đáng lo ngại hiện nay là hoạt động vi phạm không còn tập trung ở các tỉnh như Ninh Bình hay Thái Nguyên, mà đã lan rộng ra nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Lai Châu, Điện Biên. Mặc dù các vụ tiêu thụ hổ xảy ra tại nhiều địa phương khác nhau, nhưng phần lớn hổ bị buôn bán đều có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An.
Về xử lý vi phạm, số liệu Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên tổng hợp cho thấy mức án trung bình hiện nay đối với hành vi buôn bán hổ là khoảng 2,7 năm tù giam. Bà Bùi Thị Hà nhận định đây là mức hình phạt đã có tác dụng răn đe nhất định, nhưng vẫn chưa tương xứng với tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này. Trong khi đó, theo Điều 244 Bộ luật Hình sự, mức án cao nhất có thể lên tới 15 năm tù giam.
Từ thực trạng trên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà đề xuất một số giải pháp cụ thể như, cần tập trung điều tra, truy bắt và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán hổ trái phép tại Nghệ An, địa phương đang được xác định là điểm nóng của cả nước.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần rà soát và tịch thu toàn bộ số hổ đang bị nuôi nhốt trái phép đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp đã bị phát hiện có hành vi vi phạm, nhằm đảm bảo tính răn đe và ngăn ngừa tái phạm.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác liên ngành và liên quốc gia trong kiểm soát tuyến biên giới Việt – Lào, đặc biệt tại khu vực cửa khẩu Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), vốn được xem là tuyến vận chuyển tiềm ẩn nguy cơ cao, thường bị lợi dụng để đưa hổ từ nước ngoài vào nội địa.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Gốc cho rằng, pháp luật Việt Nam đã có chế tài đầy đủ để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hổ. Theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi xâm hại các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trong đó có hổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ và số lượng cá thể hổ bị xâm hại, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt từ 1 đến 15 năm tù. Đáng chú ý, chỉ cần xâm phạm từ 1 đến 2 cá thể hổ, người vi phạm đã có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 năm tù hoặc bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng. Đây là mức hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe nếu được thực thi đúng mức.
Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể áp dụng quy định này để xử lý triệt để các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng đôi khi chưa đồng bộ, mức xử phạt thấp hơn khung quy định, dẫn đến hiệu quả răn đe chưa cao.
Luật sư Lê Minh Tuấn cho rằng, cần siết chặt thực thi pháp luật, đảm bảo các vụ việc được xử lý đúng với tính chất nghiêm trọng của hành vi. Ngoài ra, việc mở rộng trách nhiệm pháp lý tới cả tổ chức, doanh nghiệp hoặc các cá nhân tiếp tay, tiêu thụ hổ trái phép cũng là hướng cần tính đến, nhằm khép kín chuỗi xử lý tội phạm; vai trò của phối hợp liên ngành giữa công an, kiểm lâm, hải quan và chính quyền địa phương. Việc thiết lập cơ chế phối hợp cụ thể, định kỳ, có giám sát và hậu kiểm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm.
Việc áp dụng đầy đủ, đúng mức các chế tài hiện hành theo Điều 244 Bộ luật Hình sự là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm hiệu quả hơn trong thời gian tới. Việc xử lý triệt để các đường dây, đối tượng cầm đầu sẽ tạo ra tác động lan tỏa, góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam trong bảo vệ động vật hoang dã và gìn giữ cân bằng sinh thái./.