Việc bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và tổ chức bảo tồn, mà còn là hành động thiết thực từ mỗi cá nhân. Mỗi người cần nói không với việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, không nuôi nhốt động vật làm cảnh, đồng thời chủ động thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng 1800-1522.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đang có xu hướng chuyển sang không gian mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Diễn biến này không chỉ làm gia tăng mức độ vi phạm mà còn đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học. Mặc dù các cơ quan chức năng và tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, song thực tế cho thấy hoạt động buôn bán trái phép vẫn diễn ra với quy mô lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó kiểm soát hơn trong môi trường mạng.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên internet không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2015, những vi phạm này chỉ chiếm khoảng 21% trong tổng số vụ việc ghi nhận, thì những năm gần đây, tỷ lệ này đã vượt 50%. Trung bình mỗi ngày, đường dây nóng 1800-1522 của Trung tâm tiếp nhận khoảng 8,5 vụ việc, phần lớn trong số đó là các hành vi rao bán, quảng cáo hoặc nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép thông qua Facebook, Zalo và các nền tảng trực tuyến khác.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung đánh giá, việc cộng đồng tích cực thông báo các vi phạm được đánh giá là một tín hiệu đáng khích lệ, phản ánh sự nâng cao nhận thức trong bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, để chấm dứt triệt để nạn buôn bán và khai thác trái phép, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa từ toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, tính riêng trong năm 2024, đã có 1.914 vụ việc liên quan đến động vật hoang dã được cộng đồng báo cáo, trong đó nhiều trường hợp vi phạm xảy ra trên không gian mạng. Các loài thường bị buôn bán, quảng cáo trái phép gồm khỉ, rùa, chim hoang dã, cùng với các sản phẩm từ động vật như ngà voi, sừng tê giác, nanh hổ… Hoạt động vi phạm này không chỉ diễn ra công khai trên các trang cá nhân và hội nhóm kín mà còn len lỏi vào một số nền tảng thương mại điện tử.
Theo thống kê, trong năm 2024 có 180 vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã được khởi tố, trong đó có tới 166 vụ (chiếm 92,2%) đã bắt giữ thành công các đối tượng vi phạm. Mức án tù trung bình là 3,5 năm - cao gần gấp ba lần so với giai đoạn trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực. So với giai đoạn 2014-2017, khi mức án tù trung bình chỉ là 1,3 năm, con số hiện tại cho thấy xu hướng tăng rõ rệt.
Các hình phạt nghiêm khắc không chỉ mang tính răn đe mà còn thể hiện quyết tâm của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc chấm dứt triệt để hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Theo ghi nhận, một số hành vi nghiêm trọng liên quan đến các loài nguy cấp, quý hiếm có thể bị phạt tù lên tới 15 năm, và mức án cao nhất đến nay là 14 năm tù.
Một vụ việc điển hình cho thấy tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, ngày 18/7, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên phạt đối tượng Hoàng Văn Hảo (sinh năm 1986, trú thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) 10 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối tượng bị bắt giữ khi cầm đầu đường dây nhập lậu hơn 615 kg ngà voi từ châu Phi về Việt Nam. Lô hàng được ngụy trang dưới dạng sừng bò châu Phi, vận chuyển bằng đường biển nhằm che giấu hành vi phạm tội. Đây được xem là bản án nghiêm khắc, thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Bên cạnh các biện pháp xử lý vi phạm, vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã tiếp tục được khẳng định. Trong năm 2024, đã có 1.235 cá thể động vật hoang dã được tịch thu hoặc tự nguyện chuyển giao từ người dân. Các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai điểm nóng với số lượng thông báo vi phạm nhiều nhất, cho thấy hiệu quả rõ rệt từ hoạt động truyền thông và sự hưởng ứng tích cực từ xã hội.
Mạng xã hội được xác định là môi trường có khả năng lan truyền nhanh, nhưng cũng là nơi các đối tượng lợi dụng để quảng bá, rao bán động vật hoang dã một cách tinh vi. Để đối phó với tình trạng này, các chiến dịch truyền thông sâu rộng đã được Trung tâm Giáo dục thiên nhiên triển khai, nhằm khuyến khích người dân chủ động phát hiện và báo cáo vi phạm. Song song với đó là việc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát trên không gian mạng.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, việc bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và tổ chức bảo tồn, mà còn là hành động thiết thực từ mỗi cá nhân. Mỗi người cần nói không với việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, không nuôi nhốt động vật làm cảnh, đồng thời chủ động thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng 1800-1522.
Trong thời gian tới, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục cộng đồng, đặc biệt là trong trường học và trên nền tảng trực tuyến, nhằm lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã trong dài hạn./.
- Từ khóa:
- Buôn bán
- động vật hoang dã