Việc xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong các trường học tại quận Sơn Trà đã giúp các học sinh hình thành thói quen và ý thức bảo vệ môi trường
Ngày 28/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm xây dựng nghiên cứu năng lực thích ứng (CAB) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong trường học tại quận Sơn Trà”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc cho rằng, việc xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong các trường học tại quận Sơn Trà đã giúp các học sinh hình thành thói quen và ý thức bảo vệ môi trường. Thông qua hoạt động này, các đơn vị liên quan đã tập hợp tài liệu để nhân rộng mô hình tại các trường học ở thành phố.
Dự án “Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong trường học tại quận Sơn Trà” được thử nghiệm từ tháng 5/2024, tại 4 trường học ở quận Sơn Trà gồm: Trường mầm non Vành Khuyên, Tiểu học Quang Trung, Trung học phổ thông Sơn Trà, Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh.
Dự án đã hỗ trợ cho các trường học thực hành giảm nhựa dùng một lần như khuyến khích học sinh sử dụng bình nước cá nhân dùng nhiều lần để giảm chai/ly nhựa 1 lần, túi nilon, ống hút; ăn sáng tại nhà hoặc tại quán để giảm hộp xốp, túi nilon…; đem theo cà mèn, hộp dùng nhiều lần đựng đồ ăn sáng nếu mang vào trường.
Cô Trương Quỳnh Anh, giáo viên trường Trung học phổ thông Sơn Trà cho hay, sau khi triển khai dự án việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã giảm rõ rệt trong trường học. Cụ thể 100% các lớp không sử dụng đồ nhựa 1 lần trong hoạt động mua bán và tổ chức bữa ăn trưa; giảm khoảng 70% lượng rác thải sau ngày hội, trong đó rác thải nhựa rất ít; khuôn viên tổ chức ngày hội sạch sẽ, hầu như không có rác để lại.
Đại diện Trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh cho biết, theo kết quả kiểm toán, trung bình một ngày nhà trường thải ra môi trường 8,6kg nhựa. Trong đó, có khoảng 1.000 sản phẩm nhựa dùng một lần gồm ly nhựa, ống hút, bao bánh kẹo, chai nước, túi nilon…
Để triển khai dự án, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức giao lưu, hội thảo về bảo vệ môi trường; lồng ghép kiến thức về rác thải nhựa vào bài học; tổ chức các cuộc thi sáng tạo xanh. Nhà trường còn đặt ra nội quy chung để học sinh thực hiện những việc làm nhỏ nhất; tăng cường tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh học sinh. Sau khi nhà trường thực hiện dự án này, số lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đã giảm đáng kể.
Hội thảo này là dịp để các trường chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong học sinh; huy động sự tham gia của các trường học trong thành phố và các bên liên quan nhằm giảm rác thải bền vững tại Đà nẵng.
Các trường đã áp dụng nhiều giải pháp như thay thế các vật dụng là nhựa dùng một lần đang dùng bằng chai, ly thủy tinh, hộp, thau có thể tái sử dụng; đề nghị nhà cung cấp thực phẩm thay thế bao bì nilon bằng đồ dùng có thể tái sử dụng; tăng số lần ăn hoa quả hoặc các loại bánh không có bọc nhựa trong bữa ăn bán trú, sự kiện.../.