Giáo dục

Xác định đề bài nghiên cứu là thách thức lớn nhất để tạo đột phá về khoa học - công nghệ

Cần điều chỉnh các chính sách linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên cứu, giảng viên phát triển chuyên môn một cách bền vững.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi tại buổi đối thoại. 
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 27/3, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Chương trình đối thoại chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần thứ nhất năm 2025. Đây là diễn đàn chia sẻ, cập nhật thông tin về chính sách khoa học công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội và các bộ, ngành liên quan; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân nhấn mạnh ba yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Trong đó, việc xác định đề bài nghiên cứu là thách thức lớn nhất, đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhu cầu xã hội, đồng thời, phải chứng minh được giá trị thực tiễn, khả năng chuyển giao.

Về nguồn lực, Giám đốc Lê Quân cho biết, bên cạnh ngân sách nhà nước, cần huy động thêm từ địa phương và doanh nghiệp. Có thể kể đến như mô hình hợp tác công tư, trong đó doanh nghiệp đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Đại học Quốc gia Hà Nội, tận dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm có khả năng chuyển giao cao. Thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đặt mục tiêu tăng tổng chi cho khoa học công nghệ; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc thành lập các doanh nghiệp spin-off và Vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội giải đáp thắc mắc của các chuyên gia, nhà khoa học.
Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Quân nhấn mạnh vai trò của cơ chế thông thoáng, minh bạch trong khoa học công nghệ và loại bỏ các cơ chế "xin cho", tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học tiếp cận nguồn lực và triển khai nghiên cứu. Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Quỹ khoa học công nghệ để chủ động hơn trong việc phân bổ nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu dài hạn; thúc đẩy môi trường nghiên cứu tại Công viên Công nghệ cao – nơi tạo điều kiện cho nhà khoa học dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, được hỗ trợ toàn diện, kết nối với doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố hơn 2.000 bài báo trên hệ thống WoS/Scopus, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, có 1.267 bài thuộc nhóm Q1, Q2, chiếm 70% tổng số bài báo quốc tế. Chính sách hỗ trợ tài chính cho cán bộ khoa học xuất sắc của Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu hút 50 cán bộ với 208 công trình vượt trội, gồm 144 bài báo và 64 đơn sở hữu trí tuệ. Chính sách này góp phần khuyến khích nhà khoa học nâng cao chất lượng công bố và tạo động lực nghiên cứu.

Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có 45 nhóm nghiên cứu mạnh, gồm 28 nhóm nghiên cứu cơ bản, 15 nhóm nghiên cứu ứng dụng và 2 nhóm định hướng thương mại hoá, khởi nghiệp. Các nhóm này đáp ứng các tiêu chí tương đương nhóm nghiên cứu mạnh cấp Nhà nước, hướng tới sản phẩm khoa học và công nghệ chủ lực, mang thương hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2023, có 11 nhóm được khen thưởng vì thành tích nổi bật (trung bình 2,1 bài báo/cán bộ/năm). Năm 2024, con số này tăng lên 18 nhóm, với hiệu suất trung bình 3,3 bài báo/cán bộ/năm. Những con số này cho thấy nỗ lực và tiềm năng nghiên cứu vượt trội của đội ngũ khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ tại buổi đối thoại
Ảnh: TTXVN phát

Năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến đầu tư 100 tỉ đồng vào các hướng nghiên cứu ưu tiên như: AI & IoT, công nghệ bán dẫn, sinh học nông nghiệp và y tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ môi trường, hóa học, vật liệu tiên tiến, năng lượng và lượng tử. Đồng thời, đơn vị phát triển mới 5 viện nghiên cứu gồm: Viện Trí tuệ nhân tạo, Viện Công nghệ bán dẫn, Viện Tế bào gốc, Viện Công nghệ môi trường và Viện Nghiên cứu lượng tử, hướng tới trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc.

Thảo luận về các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đề xuất cần chủ động xây dựng cơ chế riêng cho khoa học cơ bản, lồng ghép lợi thế của Đại học Quốc gia Hà Nội đi cùng với kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ. Với nghiên cứu ứng dụng, ông nhấn mạnh việc đầu tư đồng bộ cho các xưởng thực hành, thu hút kỹ sư giàu kinh nghiệm và liên kết doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng của nhà khoa học. Ông cũng gợi mở hướng nghiên cứu về năng lượng hạt nhân – lĩnh vực còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thơm, Trường Đại học Y Dược đề xuất cơ chế tài chính linh hoạt cho đội ngũ nghiên cứu. 
Ảnh: TTXVN phát

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thơm, Trường Đại học Y Dược chia sẻ những khó khăn trong nghiên cứu khoa học hiện nay do nguồn lực hạn chế, cơ chế tài chính bất cập và thiếu gắn kết với thực tiễn. Bà cho rằng, nhiều đề tài xuất phát từ đam mê cá nhân và chuyên môn của nhà khoa học, tuy nhiên vẫn còn những nghiên cứu khả năng ứng dụng thực tiễn yếu. Vướng mắc trong cơ chế tài chính gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm. Vì vậy, cần điều chỉnh các chính sách linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên cứu, giảng viên phát triển chuyên môn một cách bền vững, thúc đẩy nghiên cứu gắn với đời sống và nhu cầu xã hội./.


Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm