Sức khỏe

Cảnh báo tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ

Nghệ An

Việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không chỉ gây ra tác hại mãn tính như ảnh hưởng đến tim, gan, phổi và đặc biệt là các vấn đề về loạn thần mà còn có thể dẫn đến các tác hại cấp tính như: tổn thương phổi cấp, ngộ độc do sử dụng vượt nồng độ cho phép.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới đặc biệt là trong giới trẻ đã gia tăng nhanh chóng
Ảnh: TTXVN phát

Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng đáng báo động ở Nghệ An. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, việc học tập của học sinh mà còn dẫn đến nhiều mối nguy hại tiềm ẩn khác.

*Nhiều hiểm họa

Mới 16 tuổi nhưng em Đ.M.T ở xã Minh Châu đã có thâm niên sử dụng cần sa, thuốc lá điện tử từ năm lớp 8. Điều đáng nói, T. không chỉ sử dụng mà em còn bán thuốc lá điện tử cho các bạn ngay trong trường học. Cha mẹ em làm nghề buôn bán nên ít có thời gian quan tâm, sát sao đến sinh hoạt cũng như việc học tập của con, vì vậy, T. ngày càng lấn sâu vào con đường này. Khi tính tình thay đổi, dễ nổi nóng, cáu gắt, học hành chểnh mảng, bố mẹ em mới phát hiện và đưa T. đi bệnh viện để điều trị.

Theo T., em bắt đầu hút thuốc lá điện tử (vape) từ vài năm trước, ban đầu do tò mò khi đi chơi với bạn chỉ hút thử cho vui. Tuy nhiên, gần đây, T. sử dụng vape ngày càng nhiều, trung bình mỗi ngày hút khoảng 1 pod "chill".

T. chia sẻ, việc hút vape khiến em cảm thấy dễ chịu, tăng khả năng tập trung và dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, thói quen này nhanh chóng biến thành nghiện thuốc lá điện tử, gây rối loạn giấc ngủ, tâm trạng và hành vi. Sau khi nhập viện, T. được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng thuốc lá điện tử. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng liệu pháp tâm lý kết hợp thuốc. Sau hơn 10 ngày, tình trạng dần cải thiện.

Một trường hợp khác là em N.K.G. (xã Can Lộc, Hà Tĩnh), được gia đình đưa đến bệnh viện sau nhiều tháng có biểu hiện rối loạn hành vi nghiêm trọng. Tiền sử bệnh nhân vốn có sức khỏe và học lực bình thường. Tuy nhiên, em G. bắt đầu nghiện thuốc lá điện tử, đặc biệt là loại chứa cần sa và cỏ Mỹ. Số lượng sử dụng tăng dần đến mức nếu không hút thì không chịu nổi. Gần đây, em xuất hiện các triệu chứng bất thường như cáu gắt, la hét, bồn chồn, hoảng loạn, ảo giác, mất kiểm soát hành vi, không ăn uống và không vệ sinh cá nhân. Gia đình buộc phải đưa đi điều trị chuyên khoa tâm thần. Điều trị sau một đợt, G. trở về học tập bình thường, ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, sau kỳ thi G. lại “trở về con đường cũ”, hút quá liều và bị sốc thuốc, gia đình lại đưa em vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị tiếp.

Bác sỹ chuyên khoa I Phạm Thị Anh, Trưởng Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều học sinh từ 14 - 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử pha trộn chất gây nghiện như cần sa, cỏ Mỹ. Có trường hợp chỉ dùng 9 đến 10 hơi mỗi ngày nhưng cũng có học sinh hút đến một tẩu/ngày và nhập viện trong tình trạng ngộ độc cấp, ý thức lơ mơ, mạch nhanh, tụt huyết áp, vã mồ hôi như tắm. Bệnh nhân phải được bù nước, điện giải và cấp cứu ngay lập tức.

Cũng theo bác sĩ Anh, việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không chỉ gây ra tác hại mãn tính như ảnh hưởng đến tim, gan, phổi và đặc biệt là các vấn đề về loạn thần mà còn có thể dẫn đến các tác hại cấp tính như: tổn thương phổi cấp, ngộ độc do sử dụng vượt nồng độ cho phép. Khi kết hợp với chất ma túy khác, các sản phẩm này có thể khiến người dùng phải nhập viện cấp cứu. Đặc biệt, thuốc lá điện tử chứa nicotine, một chất gây nghiện mạnh, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là tình trạng đáng báo động và nếu không ngăn chặn kịp thời, có nguy cơ dẫn đến tình trạng nghiện nicotine mới trong giới trẻ.

Đại úy Trần Hữu Đắc, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, thực trạng buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất gây nghiện mới tại tỉnh diễn biến phức tạp và công khai. Với kênh trực tiếp, các em có thể trở thành đại lý bán lẻ cho học sinh trong trường học; mua qua cửa hàng tạp hóa bán quanh trường học. Với kênh gián tiếp, các em có thể mua bán thông qua trang hội nhóm mạng xã hội hoặc trên sàn thương mại điện tử. Chỉ cần có tài khoản là có thể liên hệ để mua, ship đến tận nơi. Vì thế, việc quản lý mua bán thuốc lá điện tử gặp nhiều khó khăn.

*Ngăn chặn sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ

Tháng 6 vừa qua, tại diễn đàn Điều em muốn nói chủ đề “Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới” do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Báo Tiền Phong và Tỉnh đoàn tổ chức cũng đã đưa ra nhiều con số đáng lo ngại.

Cụ thể, theo báo cáo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sản phẩm thuốc lá mới. Từ đó dẫn đến việc tỷ lệ học sinh hút phải thuốc lá thụ động trong trường học là 35,7%.

Thực tế cũng cho thấy, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tác hại của thuốc lá trong học sinh, sinh viên và xây dựng “Trường học không thuốc lá”. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa quy định về cấm hút thuốc lá đối với học sinh, giáo viên khi tham gia các hoạt động giáo dục vào Luật Giáo dục 2019 và quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới Luật, Điều lệ trường học. Mặc dù vậy, việc nghiêm cấm sử dụng thuốc lá, chất gây nghiện trong trường học và học sinh vẫn còn nhiều khó khăn…

Để phòng ngừa, ngăn chặn thuốc lá điện tử, thuốc lá, chất gây nghiện mới đi vào trường học, đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội.

Tiến sĩ Trần Văn Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các cơ sở giáo dục và việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cấm mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử; đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và xây dựng “Trường học không thuốc lá”.

Các nhà trường ở Nghệ An tăng cường giáo dục và truyền thông, tổ chức buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ, trong trường học, cộng đồng và trên phương tiện truyền thông. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử vào hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt của nhà trường và tổ chức đoàn thể. Các trường xây dựng chương trình giáo dục, truyền thông phù hợp tâm lý và đặc điểm của giới trẻ, sử dụng kênh thông tin giới trẻ thường tiếp cận.

Về chế tài xử phạt, ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15. Nghị quyết này liên quan đến việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười và các chất gây nghiện, gây hại cho sức khỏe từ năm 2025. Như vậy,  thuốc lá điện tử được coi là mặt hàng cấm tại Việt Nam. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo các quy định hiện hành.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đức Tài, Phó trưởng Khoa Nhi Lão niên, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao, nếu con em có biểu hiện bất thường về hành vi, cảm xúc, dễ bứt rứt, cáu gắt, phải lập tức đưa đi khám tại cơ sở y tế. Việc giải quyết vấn nạn thuốc lá điện tử trong giới trẻ là một quá trình đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt sự quan tâm và hành động kịp thời của cơ quan chức năng; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng để quản lý và giáo dục giới trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử./.

Nguyễn Thị Bích Huệ

Xem thêm