Di sản văn hóa Huế * Bài cuối : Công nghiệp văn hoá di sản – Hướng đi của Huế
Với lợi thế về những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ đã được thế giới vinh danh, Thừa Thiên - Huế đang hướng đến từng bước hình thành phát triển ngành công nghiệp văn hóa di sản để đem lại những giá trị kinh tế bền vững.
Công nghiệp văn hóa là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ cùng kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân. Với lợi thế về những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ đã được thế giới vinh danh, Thừa Thiên - Huế đang hướng đến từng bước hình thành phát triển ngành công nghiệp văn hóa di sản để đem lại những giá trị kinh tế bền vững.
*Nhiều dư địa cần được khai thác
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, khai thác ngành công nghiệp văn hóa trên nền tảng bảo tồn di sản sẽ khác và khó hơn các ngành công nghiệp văn hóa giải trí. Bởi giữa bảo tồn và phát huy di sản luôn có ranh giới và bị “soi chiếu” ở nhiều góc độ khác nhau, do vậy công tác quản lý Nhà nước phải dung hòa được vấn đề này. Tại những khu di sản văn hóa thế giới ở các nước rất chú trọng đến yếu tố xây dựng các sản phẩm trải nghiệm cho du khách, thông qua đó để du khách dễ dàng tiếp nhận thông điệp từ quá khứ, hiểu sâu hơn truyền thống văn hóa lịch sử, mang lại cảm xúc, ấn tượng khó phai.
Ông Hoàng Việt Trung tâm sự, nhiều người cho rằng, Cố đô Huế đang thiếu những show diễn thực cảnh quy mô lớn, hấp dẫn, tạo được tiếng vang, gây ấn tượng mạnh mẽ như chương trình “Ký ức Hội An” hay như ở nhiều quốc gia láng giềng để thu hút du khách. Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh và những người làm văn hóa của địa phương đã nhận thấy và cũng rất trăn trở, nhưng điều kiện để cho ra đời những show diễn như vậy đòi hỏi nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, con người, thị trường, đối tác... Di tích Hổ Quyền là đấu trường giữa voi chiến và hổ dưới thời nhà Nguyễn, đây là di tích độc đáo còn tồn tại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam cũng như ở khu vực châu Á. Hiện nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa vào quy hoạch, tiến hành di dời dân cư giải phóng mặt bằng, kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu hình thành các show biểu diễn thực cảnh tại điểm di tích Hổ Quyền gắn với các bến thuyền du lịch sông Hương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trên định hướng chung của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thừa Thiên - Huế xác định sẽ phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu dựa vào các giá trị di sản đã được UNESCO vinh danh, các di sản cấp quốc gia, cấp tỉnh nhằm phát huy hết tiềm năng thế mạnh riêng có.
Thực hiện chiến lược này, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định phải tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa một cách toàn diện, xem đây là chất liệu cho phát triển công nghiệp văn hóa, qua đó phát huy một cách thực chất, hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện để gắn phát huy di sản, phát triển công nghiệp văn hóa với hạ tầng phát triển kinh tế xã hội khác như xây dựng Huế trở thành thành phố di sản, tạo không gian để các nhà làm phim khai thác, các nhà đầu tư tổ chức các sự kiện văn hóa.
Thành phố Huế được đánh giá như một bài thơ tuyệt tác về kiến trúc đô thị với sự hòa quyện giữa kiến trúc cung đình với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và là điểm đến hấp dẫn của các nhà làm phim trong nước những năm gần đây, với nhiều bộ phim gây sốt các rạp chiếu như “Mắt biếc,” “Gái già lắm chiêu”... Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải, Cố đô Huế có đầy đủ chất liệu văn hóa, cảnh quan để trở thành "phim trường" lớn, tạo nguồn cảm hứng bất tận, thu hút các đạo diễn, nhà làm phim. Hiện nay, tỉnh xác định một trong những đột phá về phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương là điện ảnh và phim trường. Tỉnh đã thành lập một nhóm tư vấn có đại diện của nhiều sở, ban, ngành đơn vị tham gia trực tiếp hỗ trợ cho các đoàn làm phim, đây là một hướng đi tích cực trong việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các công nghiệp văn hóa.
*Cần nhà đầu tư có tầm và yêu quý di sản
Thừa Thiên - Huế được cộng đồng quốc tế cũng như các chuyên gia trong nước đánh giá làm tốt công tác bảo tồn di sản, tuy nhiên việc phát huy giá trị di sản vẫn còn nhiều mặt chưa được như kỳ vọng. Chủ trương xã hội hóa có từ lâu nhưng khi thực hiện còn nhiều vấn đề, nhất là hành lang pháp lý chưa thuận lợi, rõ ràng và điều quan trọng là phải chọn được đối tác phù hợp, vừa có tầm vừa yêu quý di sản.
Theo các chuyên gia, việc phát triển công nghiệp văn hóa di sản không dễ dàng, những lĩnh vực công nghiệp văn hóa giải trí đòi hỏi sự công phu, có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, kể cả chấp nhận rủi ro. Trong khi, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không nhiều bởi đôi khi không thể mang lại lợi nhuận tức thì, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ, những khuyến nghị, định hướng của UNESCO về vấn đề khai thác, phát huy di sản rất rõ ràng và nhân văn. Di sản phục vụ cho con người, cho xã hội. Di sản vừa là đối tượng bảo vệ, vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội, chứ không phải theo quan điểm di sản là không được động chạm gì vào. Nếu vậy, di sản sẽ “chết”. Vấn đề là trong không gian di sản phải khai thác ở góc độ, mức độ nào, chiều sâu ra sao mới thành công được.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang phối hợp với một số Startup hàng đầu của Việt Nam về công nghệ để chuyển hóa những hiện vật, cổ vật độc bản, được bảo tồn nghiêm ngặt thành những hình ảnh để triển lãm trên không gian số, tiếp cận người xem toàn cầu, vừa quảng bá, vừa có thể thu phí; thành những phiên bản, những sản phẩm nghệ thuật, văn hóa mang lại giá trị kinh tế.
“Trung tâm đang triển khai từng bước đi theo định hướng này để hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa theo chiều sâu, bền vững. Tuy nhiên, để hợp tác khai thác nguồn tài nguyên di sản trên không gian số nhằm tạo ra nguồn thu kinh tế, điều này cũng cần hành lang pháp lý cụ thể và hy vọng cùng với sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ hoàn thiện các quy định liên quan, qua đó khơi thông nguồn lực, để đẩy mạnh hợp tác công tư trong lĩnh vực này”, ông Hoàng Việt Trung nói.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình, để tháo gỡ “điểm nghẽn” của mối quan hệ giữa vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị di sản trong việc tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Tỉnh đề xuất Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu điều chỉnh Luật Di sản, Luật Đầu tư công, cho phép có thể áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm tạo hành lang pháp lý cho địa phương hợp tác với doanh nghiệp để cùng khai thác giá trị di sản văn hóa. Qua đó, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho ngành du lịch.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2024, tổ chức vào tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, địa phương cần đầu tư cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. “Nhiệm vụ của chúng ta là phải quốc tế hóa giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới”, Thủ tướng lưu ý.
Trên những định hướng chung của Chính phủ về phát triển công nghiệp văn hóa, Thừa Thiên - Huế đang từng bước xây dựng và hình thành con đường khai thác công nghiệp văn hóa di sản mang bản sắc, phù hợp với xu thế và lợi thế riêng có của địa phương./. (Hết)