Việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới cũng đang được ngành Du lịch và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm nhằm phục vụ cho du khách tham quan, thưởng ngoạn.
Năm 2024, ngành Du lịch Lào Cai phấn đấu đạt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách, tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai đặc biệt là cơn bão số 3, ước tính từ nay đến hết năm chỉ đạt 7,5 triệu lượt du khách, tăng 3,28% so năm 2023. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 12,39% so năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, ngoài tăng cường các biện pháp kích cầu, Lào Cai đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thu hút du khách, từ nay đến cuối năm 2024 và đặc biệt là đầu năm 2025.
Việc đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới cũng đang được ngành Du lịch và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Từ nay đến cuối năm 2024, Lào Cai sẽ tổ chức Lễ hội “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” năm 2024 với quy mô, nội dung phù hợp để thu hút du khách sau ảnh hưởng của bão lũ. Lễ hội có các nội dung chính như: trưng bày, trình diễn thổ cẩm truyền thống của các dân tộc; giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm ứng dụng phục vụ cho du khách tham quan, thưởng ngoạn; chương trình nghệ thuật đặc sắc; xây dựng không gian sắp đặt nghệ thuật về thổ cẩm...
Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ xây dựng và khôi phục các sản phẩm du lịch mới và giàu bản sắc. Điển hình như: “Cung đường di sản văn hóa Dao” - một sản phẩm văn hóa - du lịch mà ở đó du khách được đắm mình trong các hoạt động trải nghiệm, tương tác trực quan với di sản văn hóa phi vật thể như: Nghề rèn và chạm khắc bạc của người Dao đỏ”, Di sản Chữ Nôm của người Dao; dược liệu Dao đỏ tại xã Tả Phìn...
Thị xã Sa Pa đầu tư khai thác sản phẩm du lịch “Di sản văn hóa Giáy” nhằm thiết kết không gian trình diễn văn hóa dân tộc Giáy với nhạc cụ và văn hóa dân gian truyền thống, Nghi lễ Then, Nghề làm hương thảo mộc; ẩm thực. Đặc biệt, chuỗi sự kiện Lễ hội mùa Đông Sa Pa sẽ được tổ chức từ ngày 10/11/2024 đến 02/01/2025 với: Lễ hội hoa Anh Đào tại Đồi chè Ô Long, phường Ô Quý Hồ; Lễ hội Bản Mây tại Ga đi Cáp treo Fansipan; tổ chức các tour du lịch từ thiện hỗ trợ phục hồi ảnh hưởng của bão lũ trên địa bàn thị xã Sa Pa; Chương trình nghệ thuật đặc biệt đêm Giao thừa 2025...
Lào Cai xác định trước mắt cần nhanh chóng khắc phục các tuyến đường sạt lở, để giao thông thuận lợi, an toàn cho du khách, nhất là các tuyến giao thông đến các địa bàn trọng điểm du lịch như: Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý, Bát Xát. Tại Sa Pa, nhằm xây dựng lòng tin với khách du lịch về một khu du lịch quốc gia an toàn, hấp dẫn và có khả năng ứng phó tốt với thiên tai, Sa Pa đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác động của thiên nhiên trong tương lai; nâng cấp, sửa chữa đối với hạng mục, tuyến đường bị ảnh hưởng để phục vụ khách du lịch.
Chủ tịch thị xã Sa Pa Tô Ngọc Liễn cho biết, địa phương đã hoàn thành việc tổ chức đánh giá mức độ an toàn và điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú, homestay, dịch vụ ăn uống, quà tặng… tại các điểm du lịch cộng đồng - đặc biệt là khu vực bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3; đồng thời lập danh sách và công bố các cơ sở an toàn và sẵn sàng phục vụ khách.
Chị Phạm Thị Bích Tuyên (du khách Thành phố Hồ Chí Minh) có kế hoạch dẫn những người bạn Pháp lên Sa Pa chơi vào dịp này. Trước khi đi, chị đã hỏi ý kiến, xin thông tin từ rất nhiều người quen về tình hình thực tế tại địa phương. Khi biết được rằng Sa Pa đã đón khách trở lại từ ngày 13/9, các cơ sở lưu trú hầu như không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, chị Tuyên cùng bạn quyết định thực hiện chuyến đi du lịch 3 ngày theo kế hoạch. Anh Friedrich (du khách Pháp) - người cùng đoàn với chị Tuyên hào hứng: "Dù vẫn còn dấu vết của thiên tai, nhưng Sa Pa gần như đã phục hồi về trạng thái cũ. Và tôi có thể tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn"./.