Sau cơn bão số 3, ngành Du lịch Lào Cai đã nhanh chóng bắt tay vào tái thiết, triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường kích cầu đón khách trở lại trong thời gian sớm nhất.
Sau bão số 3, ngành Du lịch Lào Cai đã nhanh chóng bắt tay vào tái thiết, phục hồi đón khách trở lại trong thời gian sớm nhất. Tuy vậy, do hậu quả để lại nặng nề không thể khắc phục được trong ngày một, ngày hai, cùng với tâm lý e dè, thận trọng của du khách nên dù đang vào giữa Thu - thời điểm đẹp nhất trong năm, nhưng lượng khách đến với Lào Cai vẫn không được như kỳ vọng.
Trong những tháng cuối năm 2024, địa phương đang tích cực triển khai linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng đưa hoạt động du lịch trở về đúng quỹ đạo, hoàn thành mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách.
Hoàn lưu bão số 3 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành Du lịch Lào Cai. Tháng 9/2024, các cơ sở du lịch trong tỉnh gần như không phát sinh doanh thu; các tour du lịch bị hủy, chỉ còn khách lẻ; doanh thu của các đơn vị du lịch giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thiệt hại trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch là khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hoạt động du lịch cộng đồng (homestay) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai bởi các tuyến đường giao thông cùng một số cảnh quan bị thiệt hại. Các tuyến trekking (đi bộ dã ngoại) được du khách quốc tế rất yêu thích đã bị tạm dừng hoạt động do nằm ở khu vực có địa hình phức tạp, không đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Trước những ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động, linh hoạt nhiều biện pháp kích cầu để thu hút du khách.
Thông thường, đây là thời điểm đón khách nước ngoài nhiều nhất trong năm của bản làng homestay Tả Van (Sa Pa). Thế nhưng năm nay, lượng khách lưu trú giảm đến 50%. Homestay của gia đình chị Hoàng Thị Thảo (thôn Tả Van Giáy) đang có 8 khách nước ngoài lưu trú. Chị Thảo cho biết, khách đến không đều như mọi năm, có ngày không có đoàn khách nào. Nhiều đoàn khách đặt đến cuối năm đã hủy tour. Để thu hút khách du lịch, ngoài việc tăng cường quảng bá trên các trang thông tin, mạng xã hội, cơ sở tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đánh giá mức độ an toàn và điều kiện cơ sở vật chất của homestay giúp du khách an tâm hơn khi chọn Sa Pa là điểm đến. "Người dân cả bản không ai bảo ai chung tay dọn dẹp vệ sinh đường phố, nâng cấp và tái tạo cảnh quan sạch đẹp hơn sẵn sàng mọi điều kiện đón khách du lịch", chị Thảo chia sẻ.
Tại khu du lịch Vườn đá Tả Phìn (Sa Pa), để giảm thiểu thiệt hại, cơ sở đã tích cực tìm hiểu thị trường mới, kết nối với các đối tác, giới thiệu những ưu đãi, như giảm giá 20% các dịch vụ; miễn phí tắm lá thuốc khi khách đặt phòng nghỉ. "Chúng tôi trang trí lại khu du lịch, đầu tư xây dựng thêm khu vui chơi để làm mới cảnh quan; phối hợp cùng người dân khắc phục các điểm sạt lở tại một số đoạn đường. Với những nỗ lực của cơ sở, tin rằng du khách sẽ tiếp tục lựa chọn Vườn đá Tả Phìn là điểm đến trong thời gian tới", ông Trần Chí Thành, Giám đốc khu du lịch Vườn đá Tả Phìn cho biết.
Theo gợi ý của Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng, các địa phương có thể phối hợp với ngành Du lịch nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đêm thực sự bài bản, đặc sắc, khác biệt và thời gian kéo dài hơn. Chẳng hạn như thành phố Lào Cai xây dựng thêm sản phẩm du lịch quốc tế gắn kết với Hà Khẩu - Trung Quốc (du thuyền dọc sông Hồng vào ban đêm), mua sắm đêm tại chợ du lịch Phố Mới; huyện Bắc Hà xây dựng sản phẩm trải nghiệm dinh thự cổ Hoàng A Tưởng gắn với trình diễn ánh sáng, biểu diễn nghệ thuật thực cảnh; thị xã Sa Pa tổ chức biểu diễn sân khấu thực cảnh, đi chợ dược liệu, trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao đỏ...
Đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã linh hoạt đưa ra nhiều biện pháp kích cầu. Trong đó, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà đang tích cực triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm để tạo thêm không gian trải nghiệm cho khách du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch khi đến với Lào Cai.