70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội phát triển văn hóa bền vững trong đời sống đương đại
Văn hóa nghệ thuật Thủ đô Hà Nội góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, minh chứng sinh động quan điểm văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ vị thế của Thủ đô Hà Nội: “Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”. Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là “vùng đất địa linh nhân kiệt”, với lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ khi được giải phóng đến nay (10/10/1954 -10/10/2024), đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Hà Nội, không ngừng đổi mới, phát triển để biến mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực, xứng đáng là trái tim của cả nước.
Tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình, cũng khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, trong thế giới ngày nay, việc thiên hạ lựa chọn và phong tặng danh hiệu “thành phố hòa bình” cho Hà Nội cũng quả là sáng suốt.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội: Văn hóa, trong đó có văn hóa Thủ đô Hà Nội đã có bước đổi mới rất cơ bản, có vị trí mới trong phát triển bền vững.
Hà Nội đã trùng tu, chống xuống cấp hàng trăm di sản vật thể là đình, chùa, đền, miếu..., trong đó những ngôi chùa cổ kính như chùa Một Cột, Liên Phái, Kim Liên, chùa Vua, chùa Hương, đình Tây Đằng, Bạch Trữ… Đặc biệt, Trung tâm văn hóa, khoa học Văn miếu - Quốc tử giám đã tiến hành xây dựng mới khu Thái học trên cơ sở nhận thức mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nhiều năm nay, Văn miếu - Quốc tử giám đã phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dâ. Đồng thời là minh chứng sinh động cho nhận thức “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nơi đây là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phàn phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại, mỗi năm thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng.
Qua đó cho thấy, nếu nhận thức đúng, vận dụng tốt nhận thức kinh tế trong văn hóa không chỉ là chuyện lý thuyết của mấy nhà nghiên cứu. Hiện giờ Hoàng Thành Thăng Long cũng đang có những bước đi đúng đắn theo nhận thức này. Bên cạnh đó, phố đi bộ và những trải nghiệm đêm đã góp phần làm cho Hà Nội sinh động và phong phú.
Đồng thời, Hà Nội đã ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử văn hóa thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội, góp phần thiết thức, cụ thể trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chỉ thị của Thành ủy số 30/CT-TU ngày 19/2/2024 khẳng định quyết tâm cao của Hà Nội về vấn đề có tính chiến lược này. Việc xây dựng con người và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội được quan tâm và có kết quả tích cực trong nhận thức và hành động được coi là một thành tựu.
Văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên cũng có những tiến bộ đáng ghi nhận. Việc kè cạp ổn định xung quanh hồ Tây, sông Tô Lịch, Lừ, Sét…, trồng cây bóng mát và cây cảnh quan, đèn chiếu sáng đô thị thực sự góp phần làm cho Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn.
Những đường cây nở hoa của Hội phụ nữ, đường tự quản những cá nhân, tổ chức tự nguyện làm sạch tuy chưa khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nhưng cũng đánh dấu nhận thức của cả cộng đồng về văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên. Đây là kết quả thành công bước đầu trong nhận thức và hành động với môi trường thiên nhiên ghi nhận tiến bộ của văn hóa Hà Nội.
Văn hóa đọc được quan tâm với nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Tủ sách Thăng Long với hàng trăm nhà khoa học tham gia, với hàng trăm đầu sách có giá trị văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến được nhà xuất bản Hà Nội xuất bản, Bộ Bách Khoa Thư Hà Nội được nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản khẳng định sự đóng góp lớn của trí thức Thủ đô và cả nước, là thành tựu văn hóa Hà Nội trong Đổi mới.
Văn hóa nghệ thuật Hà Nội thể hiện sự tiên phong của văn hóa Hà Nội. Những vở diễn như “Tôi và chúng ta”, “Nàng Sita”, phim truyền hình nhiều tập “Người phán xử”…và nhiều tác phẩm khác được đông đảo khán giả hâm mộ bởi những tài năng xuất chúng của nghệ sĩ Thủ đô như NSND Hoàng Dũng, NSND Quốc Chiêm, NSND Thu Hà, NSND Minh Hòa, NSND Trung Hiếu…
Điều này không chỉ khẳng định vị trí văn hóa nghệ thuật hàng đầu của văn hóa Hà Nội mà còn khẳng định văn hóa nhận thức, văn hóa tư tưởng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa nghệ thuật Thủ đô Hà Nội góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời là minh chứng sinh động trong thực tiễn quan điểm văn hóa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cũng nêu rõ, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai sâu sắc, hiệu quả, thực chất hơn chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, thích ứng tốt nhất cho kỷ nguyên số, kỷ nguyên sáng tạo. Đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, triển khai mạnh mẽ, cụ thể, hiệu quả hơn chương trình phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông cũng cho rằng, phê duyệt và triển khai Quy hoạch Hà Nội cần đặc biệt quan tâm yếu tố văn hóa như là chìa khóa để khắc phục yếu kém cũ, động lực phát triển mới. Bên cạnh đó là việc khai thác tốt nhất những điều khoản đặc thù trong Luật Thủ đô nhằm giữ gìn và phát huy cao độ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến trong thời kỳ mới. Hà Nội cần đầu tư bài bản, tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo, chỉ đạo, trí tuệ và kinh phí cho việc xây dựng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể xứng tầm Thủ đô của thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ mới phát triển rực rỡ trong lịch sử nước nhà.
- Từ khóa:
- Văn hóa Thủ đô
- văn minh
- thanh lịch
- sáng tạo